Belarus muốn tránh đối đầu trong cuộc khủng hoảng di cư
Điện đàm lần thứ hai với Thủ tướng tạm quyền của Đức, Tổng thống Lukashenko cho biết mục tiêu chính bây giờ là bảo vệ đất nước và người dân của Belarus, cũng như không cho phép đụng độ xảy ra.
Theo hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus, ngày 16/11, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko thông báo ông sẽ tiến hành cuộc điện đàm thứ hai với Thủ tướng tạm quyền của Đức, bà Angela Merkel.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh chính quyền Minsk đang nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới giữa Belarus và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Lukashenko cho biết sau cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 15/11 vừa qua, nhà lãnh đạo Đức đã dành thời gian để thảo luận với các quốc gia thành viên EU khác về một đề xuất do Belarus đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ngoài ra, Tổng thống Lukashenko bày tỏ mong muốn tránh "đối đầu" liên quan khủng hoảng di cư. Ông nêu rõ: "Chúng ta không thể để vấn đề này dẫn tới một cuộc đối đầu nảy lửa. Mục tiêu chính bây giờ là bảo vệ đất nước và người dân của chúng ta, cũng như không cho phép đụng độ xảy ra."
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết người di cư ở phần biên giới Belarus đã tấn công binh sỹ nước này bằng gạch đá và tìm cách phá hàng rào để vượt biên vào Ba Lan, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng vòi rồng để trấn áp.
Cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan bắt đầu từ đầu năm 2021 và trở nên căng thẳng ngày 8/11. Hàng nghìn người di cư tiến tới biên giới Belarus-Ba Lan và không chịu rời khu vực giáp ranh, nhiều người đã phá đổ hàng rào dây thép gai để vào lãnh thổ Ba Lan.
EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong liên minh này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh./.