Bến Bạch Đằng không thể thiếu lịch sử và 'trên bến dưới thuyền'
Trải qua nhiều thế kỷ, khu vực Bến Bạch Đằng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nét văn hóa đặc trưng mà cho đến bây giờ vẫn còn hiện hữu, tạo nét độc đáo riêng của một khu vực 'trên bến dưới thuyền'.
Hôm nay (17-3), Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức lễ khánh thành dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng. Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Phúc Tiến, người đã có những bài viết về lịch sử thành phố, trong đó có Bến Bạch Đằng.
. Phóng viên: Xin chào ông, tôi thấy ông là người rất đam mê lịch sử Sài Gòn, trong đó có Bến Bạch Đằng. Xin ông cho biết động lực nào khiến ông dành nhiều thời gian cho lịch sử thành phố ?
+ Ông Trần Hữu Phúc Tiến: Tôi may mắn được sinh ra và trưởng thành ở Sài Gòn. Bất cứ ai sinh ra ở đâu chắc đều có sự thích thú, muốn tìm tòi về mảnh đất chào đời của mình. Hơn nữa, tôi còn được học sử, đi làm báo và do vậy càng có nhu cầu tìm hiểu về thành phố quê hương. Là người tham gia viết báo, viết sách, tôi càng mong muốn làm sao có thể hiểu biết và chia sẻ những kiến thức mình có được.
Cho đến nay, tôi có hai quyển sách viết về lịch sử TPHCM, trong đó quyển “Sài Gòn -hai đầu thế kỷ” đã lược lại lịch sử Sài Gòn qua sáu khu vực cụ thể. Ví dụ như khu vực chúng ta đứng ở đây ( Bến Bạch Đằng – PV), tôi gọi là “khu vực bờ sông và bến tàu”. Có thể nói đây là một trong những khu vực cổ của Sài Gòn, nơi người Việt trên bước đường khai phá phương Nam đã đến đây đầu tiên từ thế kỷ 17.
. Nhân chuyện chúng ta gặp nhau ở bến Bạch Đằng, tôi thắc mắc không biết tại sao nơi đây có tên là Bến Bạch Đằng và Bến Bạch Đằng đã trải qua những giai đoạn lịch sử nào, có dấu ấn văn hóa, kiến trúc như thế nào trước khi có diện mạo như ngày hôm nay? Nói cách khác, không biết Bến Bạch Đằng đã ‘thay da đổi thịt’ như thế nào kể từ khi được phát hiện và xây dựng?
+ Bờ sông nơi mà chúng ta đứng trò chuyện có rất nhiều tên gọi khác nhau. Từ năm 1955 trở đi, nơi đây mới có tên gọi là Bến Bạch Đằng. Còn trước đó, cái tên được nhiều người biết nhất là Bến Nghé. Tại sao lại gọi là Bến Nghé? Theo như sách Chân lạp Phong thổ ký vào thế kỷ 13, khi người nước ngoài từ biển vào sâu nội địa đã nhìn thấy có một vùng những đàn trâu, đàn nghé tập trung bên sông uống nước. Sau này, vào thế kỷ 19, học giả Trương Vĩnh Ký phát hiện người Khmer gọi vùng này là Kon Krabei, có ý nghĩa tương tự là bến có đàn trâu. Tuy nhiên, chữ “bến”, ngoài nghĩa là bến nước, còn có thể là bến đò, bến thuyền và cũng có thể là bến mà người ta mua bán những con trâu. Có lẽ vì vậy người Việt gọi tên khu vực này một cách hình tượng là “Bến Nghé”. Thêm nữa, nói theo tiếng Nam Bộ, vùng cửa sông hay ngã ba sông còn gọi là “vàm sông”, thì chính nơi này xa xưa là Vàm Bến Nghé.
Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, khu vực Sài Gòn được quản trị bởi người Việt, lúc đầu mang tên Tân Bình, về sau gọi là Gia Định. Đây là thời kỳ chúa Nguyễn và sau đó là nhà Nguyễn, thời kỳ này vàm Bến Nghé còn có một tên gọi khác là Bến Ngự, có nghĩa là bến dành cho nhà vua. Theo sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định viết vào năm 1806, khu vực từ Xưởng Chu Sư (xưởng Ba Son) ở rạch Thị Nghè đến Cột Cờ Thủ Ngữ ngày nay là khu vực Bến Ngự.
Trên Bến Ngự có nhiều đoạn, tùy từng thời kỳ lịch sử lại có tên khác nhau. Chẳng hạn, điều rất thú vị, đối diện với công trường Mê Linh và bên cạnh bến phà Thủ Thiêm cũ (vào khoảng bến tàu Water Bus và bến tàu cao tốc Greenlines hiện giờ) từng có một kiến trúc, gọi là Thủy Các, là nhà dựng bên bờ sông để Vua đón gió và làm việc. Vị trị này rất đắc địa, nhìn qua bên kia bờ sông là Thủ Thiêm, còn hướng bên trái là căn cứ hải quân, bên phải là đường thủy cho tàu từ biển tiến vào, tạo thành một ngã ba quan trọng. Từ đây, có thể quan sát hoạt động của dòng sông Sài Gòn từ nhiều hướng không chỉ để thư giản mà còn để canh gác, phòng ngự.
Trong khi ấy, bến phà Thủ Thiêm, ra đời từ năm 1912, bây giờ đã di dời. Trước khi có bến phà, nơi đây là bến đò qua lại hai bên bờ sông và các nơi khác. Tại vị trí này trên sông vẫn còn hai trụ, móng của bến phà xưa. Cột Cờ Thủ Ngữ cũng là một địa danh cổ tiêu biểu. Thủ Ngữ là chức danh của quan thu thuế, ở đây là thu thuế xuất nhập khẩu. Vào năm 1623, vị trí Cột Cờ Thủ Ngữ và Cầu Kho (hiện là đường Trần Đình Xu giáp với đường Võ Văn Kiệt) là hai nơi Chúa Nguyễn đặt đồn thu thuế, cũng là hai căn cứ đầu tiên của người Việt Nam trên lãnh thổ Thủy Chân Lạp. Nói cách khác là hai địa điểm đặt chân đầu tiên của người Việt trên đất Sài Gòn.
Theo cụ Trương Vĩnh Ký, cuối thế kỷ 19, trước khi Pháp xâm chiếm, vị trí Cột Cờ Thủ Ngữ còn là nơi đặt trạm liên lạc, gọi là trạm Gia Tân. Tại đây, công văn của nhà Vua từ Huế vào, hoặc từ Gia Định chuyển ra Huế bằng các kỵ sĩ hay tàu thuyền. Đối diện với trạm Gia Tân bên kia đường là Công Quán tức Nhà khách cho các quan lại hoặc sứ thần nước ngoài trú ngụ (địa điểm này sau 1860 là Nha Tổng giám đốc thương cảng, hiện tại là tòa cao ốc Saigon One Tower ).
Khi người Pháp mới đến, bờ sông Bến Nghé hay Bến Ngự còn thô sơ. Dần dần, người Pháp đã hiện đại hóa bờ sông này, trước nhất để làm thương cảng ( xây dựng đầu tiên vào năm 1860, trước nhất là cảng Khánh Hội). Họ chia ra nhiều bến khác nhau, ví dụ từ Ba Son đến Bộ Tư lệnh Hải quân gọi là Bến Quân sự, từ thời Pháp đến 1975, đó là khu vực tàu chiến đậu. Đối diện với khách sạn Mejestic là bến tàu của hãng Chargeurs Reunis, nơi tàu chở hàng, chở khách từ Singapore và châu Âu tới. Ở vị trí tiếp giáp đường Nguyễn Huệ và đường Hàm Nghi ngày nay lại có hai bến tàu cho các hãng tàu khác nhau. Trước năm 1870, con đường từ Cột Cờ thủ Ngữ đến Công trường Mê Linh từng mang tên đại lộ Napoleon, sau đấy lại mang nhiều tên khác.
Sau 1955, khi người Pháp rút đi, chính quyền Sài Gòn đã bãi bỏ nhiều tên đường tiếng Pháp, thay bằng tiếng Việt. Từ đó, con đường từ xưởng Ba Son đến Cột Cờ Thủ Ngữ mang tên chính thức là Bến Bạch Đằng. Đây là tên gọi nhắc nhớ chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông vào thế kỷ 13. Nối tiếp Bến Bạch Đằng có bến Bến Chương Dương, kế tiếp là Bến Hàm Tử, đều là những địa điểm bờ sông chiến trận vang dội, bây giờ hợp thành đại lộ Võ Văn Kiệt.
Việc lấy tên theo những trận thủy chiến từ thời nhà Trần để đặt cho những bến sông này rất hợp lý, vì đó là những chiến thắng sông nước và qua đấy cổ động truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm.
+ Vào thế hệ 6 X của chúng tôi chỉ cần nghe ba má nói đi ra “bến tàu” thì mình biết ngay là ra Bến Bạch Đằng. Dấu ấn văn hóa lớn nhất ở đây là cảnh “trên bến dưới thuyền”, nào là tàu chiến, tàu buôn, tàu khách, tàu phà, đò ghe, xà lan, ca-nô qua lại tấp nập. Bài hát Sài Gòn Trong mắt trẻ thơ, những chiếc chiến hạm và những con phà Thủ Thiêm là hình ảnh độc đáo. Chiến hạm to lớn, oai hùng. Còn những chiếc phà nhỏ bé nhưng cần cù chở người, đầy sinh động.
Với những gia đình người Bắc di cư năm 1954 đến Sài Gòn bằng tàu, hẳn cũng không quên khung cảnh cập bến mà một trong những vị trí xuống tàu chính là bờ sông đối diện khách sạn Riverside và Liberty central hiện giờ. Đã là bến tàu thuyền thì không chỉ có người lên xuống mà còn là nơi gặp gỡ, tạm biệt, nơi đón chào người thân... Phải chăng bài hát sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân đã có cảm hứng ngay từ Bến Bạch Đằng khi ông viết: Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!
Thuở đầu Bến Bạch Đằng chưa phải là công viên nhưng sau đấy nơi đây dần dần có thêm hàng rào, giàn hoa, ghế đá được thiết kế mỹ thuật và tiện nghi cho người dạo chơi và hóng mát. Người Việt xưa có hình ảnh thân quen “cây đa bến nước sân đình” thì ở Bến Bạch Đằng chúng ta có cây xanh, kể cả cổ thụ, có bến nước chính là bến sông và bến tàu, còn sân đình chính là không gian công cộng- công viên đón gió rộng rãi. Hơn thế nữa, từ những năm 1960 trở đi, đối diện với Bến Bạch Đằng là những cao ốc thương mại, khách sạn, nhà hàng nổi tiếng, những đại lộ và con đường phồn hoa (Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ Hàm Nghi...). Tất cả hòa quyện, tạo ra một dấu ấn văn hóa kế tiếp mà tôi tạm gọi là “văn hóa du lịch, văn hóa du ngoạn” !
Qua từng thời kỳ, bến tàu và công viên Bến Bạch Đằng đã có nhiều thay đổi lớn. Hiện tại, bến tàu chiến không còn, bến phà và bến tàu cao tốc cánh ngầm cũng đóng cửa. Chỉ còn bến water bus đưa khách xuôi ngược vùng Thủ Đức và bến tàu cao tốc greenlines đưa khách đi Cần Giờ và Vũng Tàu. Trong khi đó, công viên có thêm các bãi cỏ, đèn chiếu sáng, cột cờ ASEAN. Cột cờ Thủ Ngữ (xây dựng từ 1865) cũng đã được tu sửa. Chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tiếp tục kế thừa các nét đẹp văn hóa đã có và phát huy hơn nữa các giá trị ấy của Bến Bạch Đằng!
+ Theo tôi, khi đứng từ Bến Bạch Đằng chúng ta nhìn thấy biển lớn chứ không phải một dòng sông. Biển Cần Giờ chỉ cách đây hai giờ tàu cao tốc, rất gần. Hơn nữa, đô thị của chúng ta chính là đô thị sông biển, chúng ta cần có một tầm nhìn rộng lớn hơn để chỉnh trang phát triển khu trung tâm , trong đó có Bến Bạch Đằng và bên kia bờ Thủ Thiêm đối diện.
Trước nhất nói về không gian công cộng, ngay cả khu trung tâm thành phố cũ và nay mai trung tâm thành phố mới- thủ thiêm, đều đang đối mặt với hình ảnh “rừng cao ốc” ngày càng mở rộng. Người dân thành phố đang mong muốn có thêm những không gian công cộng, không gian sạch và xanh, đặc biệt là không gian sông nước. Các không gian này không chỉ là thiên nhiên mà còn bao gồm văn hóa và các tiện nghi đô thị để người dân bớt được cảm giác ngộp thở, căng thẳng khi phải sống và làm việc trong một “siêu đô thị” trên 10 triệu dân.
Cho nên, chuyện đầu tiên cần làm rõ là Bến Bạch Đằng là không gian công cộng, không phải là không gian của riêng nhà đầu tư nào và không dùng cho mục đích kinh doanh thuần túy. Nhà nước nếu tổ chức đấu thầu cho tư nhân thi công, chỉnh trang, hoặc đầu tư các phương tiện giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm thì phải nêu rõ quyền sở hữu, tính chất phục vụ phải là của toàn xã hội. Mặt khác, trong một không gian đặc biệt thế này, chúng ta không nên bó buộc nó trong khái niệm “công viên” cổ điển chỉ là vườn hoa, như công viên Tao Đàn. Cần xem đây là không gian đan xen nhiều tính chất như dạo chơi, du lịch, du ngoạn, mỹ thuật, sáng tạo, giao thông…
Tại đây, nên có các bảng thông tin lịch sử, màn hình cảm ứng, tiểu tượng, tiểu cảnh, chổ chụp hình đẹp, ống kính viễn vọng, khu sân chơi trẻ em và thiếu niên. Ngay cả những chiếc ghế ngồi nghỉ chân, xin hãy thiết kế những chiếc ghế duyên dáng thay cho những khối đá xù xì thô kệch để những cặp tình nhân có thể giữ được một hình ảnh lưu luyến mỗi lần đến đây. Bến Bạch Đằng là một không gian văn hóa nhưng chúng ta đừng nghĩ là không có tính kinh tế. Mỗi người dân đến đây chỉ cần chụp một tấm hình hay mua sắm một vật kỷ niệm, uống một ly cà phê thì đã đóng góp vào nền kinh tế cho thành phố. Bởi họ đã và đang tạo ra nhu cầu để các nguồn cung đáp ứng !
Mặt khác, Bến Bạch Đằng nhất thiết phải có tàu thuyền ! Ở đây là bờ sông, là bến nước, nếu không có tàu thuyền thì không còn đúng nghĩa nữa. Tôi nghĩ cần duy trì một vài bến tàu qua lại Thủ Thiêm và các nơi xa hơn. Tổ chức tốt giao thông đường thủy sẽ góp phần giải tỏa ách tắc đường bộ, kể cả cho những cây cầu đang hình thành mới. Ở Paris (Pháp), New York (Mỹ ) hay Bangkok (Thái Lan), vẫn có những bến tàu thuyền lên xuống hai bên bờ sông là chuyện bình thường.
Cũng không quên, mặt sông có thể là nơi tổ chức đám cưới, nhà hàng nổi, sân khấu nổi ở những vị trí thích hợp và thời gian thích hợp. Ở Bangkok, người ta lấy hẳn một đoạn sông hay một hồ nước lớn để làm sân khấu diển trò James Bond hay phim Holywood . Còn với bờ sông Sài Gòn, tại sao chúng ta không thể dùng một đoạn bờ sông gần khu Ba Son hay công trường Mê Linh để phục dựng những trận thủy chiến xưa cổ hay những lễ hội hoa đăng trên bến dưới thuyền. và rồi những lễ hội bắn pháo bông như kiểu lễ hội đã làm bên bờ sông Hàn- Đà Nẵng ! Chúng ta không nên bỏ quên và lảng phí nguồn tài nguyên lịch sử và tự nhiên của Bến Bạch Đằng, cũng như sông nước thành phố. Đó là vẻ đẹp và kho báu độc đáo của TPHCM mà những nơi khác không thể có.
. Xin cám ơn ông.
(*) Ông Trần Hữu Phúc Tiến, sinh năm 1962, là cựu nhà báo, hiện là nhà nghiên cứu, ủy viên Ban chấp hành Hội quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam và TPHCM.