Bến Bạch Đằng sẽ được chỉnh trang công viên, xây dựng bến thủy nội địa mới
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình khai thác vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy của 2 tuyến buýt sông Bạch Đằng - Lò Gốm và Bạch Đằng - Linh Đông và tiếp tục chỉnh trang khu vực công viên gửi UBND TP.HCM.
Mới đây, Sở GTVT gửi yêu cầu Công ty TNHH Thường Nhật - nhà đầu tư - báo cáo cụ thể phương án khai thác hoạt động kinh doanh hiện nay tại khu vực bến tàu thủy Bạch Đằng (bến Bạch Đằng), Quận 1.
Qua đó, căn cứ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về việc triển khai quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công viên bến Bạch Đằng để đề xuất lộ trình, tiến độ thực hiện việc sắp xếp, di dời cho phù hợp sau khi đồ án quy hoạch được duyệt.
Đồng thời, sau khi quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công viên bến Bạch Đằng được duyệt, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với Công ty TNHH Thường Nhật để thỏa thuận việc sắp xếp, di dời hoạt động của công ty tại cầu bến số 1 phù hợp theo quy hoạch và chủ trương của thành phố, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.
Theo báo cáo về thiết kế xây dựng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà đầu tư với 2 tuyến buýt sông Bạch Đằng - Lò Gốm và Bạch Đằng - Linh Đông, Sở GTVT cho biết nhà đầu tư đã thực hiện thiết kế cầu bến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đối với phần dưới nước của 5 bến (Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông).
Đối với phần nhà chờ trên bờ, Sở Xây dựng TP.HCM chưa thực hiện thẩm định do các bến chưa được giao thuê đất để đầu tư xây dựng. Hiện 5 bến đã thi công xây dựng nhà chờ tạm để phục vụ hành khách.
Riêng bến tàu thủy Bạch Đằng (bến Bạch Đằng), nhà đầu tư đã thực hiện một số hạng mục, trong đó có nhà chờ đón trả khách. Còn nhà chờ bến Vườn Kiểng được lắp dựng bằng hệ khung thép hộp và thép hình gọn dễ dàng tháo lắp.
Sở GTVT đã có công văn ủng hộ về quy mô, kết cấu này và đề nghị chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND Quận 1 để thống nhất về giải pháp thiết kế, biện pháp triển khai thi công nhà chờ. Mục tiêu là đảm bảo cảnh quan chung, an ninh trật tự đô thị, an toàn khai thác vận hành.
Ngoài ra còn có hai khu nhà dịch vụ lắp ghép do Công ty Thường Nhật tự thực hiện cải tạo, chỉnh trang là khu nhà dịch vụ phía hạ lưu nhà chờ (cà phê) bằng mái tôn, vách kính và khu nhà dịch vụ phía thượng lưu nhà chờ (nhà hàng) bằng mái bê tông, vách kính.
Theo quyết định năm 2015 của UBND thành phố và Hợp đồng BOO (Build-Own-Operate, xây dựng - sở hữu - kinh doanh) của hai dự án buýt sông trên, chủ đầu tư được phép cải tạo, chỉnh trang tại khu vực công viên bến Bạch Đằng.
Để phát huy tiềm năng vốn có, ngành giao thông TP.HCM đã tiến hành đầu tư nhiều tuyến giao thông đường thủy kết hợp với du lịch, khơi thông dòng chảy... Đáng chú ý, việc chỉnh trang hạ tầng khu vực Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1 thời gian qua đã mang lại hiệu quả, thu hút người dân và du khách ghé thăm.
Về vấn đề này, Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi quy hoạch được duyệt, TP.HCM sẽ chỉnh trang khu Công viên bến Bạch Đằng và xây dựng các bến thủy nội địa mới dọc theo công viên; từ đó, phát triển vận tải, du lịch đường thủy TP.HCM.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM cũng đang triển khai xây dựng nhiều dự án kè và triển khai thực hiện Đề án Phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030.
Đồng thời, để phát huy thế mạnh đường thủy ở TP.HCM Sở GTVT TP.HCM cũng đã thực hiện công bố mép bờ cao quy hoạch các tuyến sông có chức năng giao thông thủy trên địa bàn thành phố. Mục tiêu là để phòng, chống lấn chiếm bờ sông, tạo quỹ đất dọc sông để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông.