Bến bãi không phép uy hiếp sông Cầu: Huyện, xã có đùn đẩy trách nhiệm?
Trước thực trạng nhiều bến bãi, trạm trộn bê tông, bến cảng hoạt động không phép ở Sóc Sơn, huyện và xã đang có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý.
Huyện bảo xã, xã bảo huyện
Vừa qua, Báo Giao thông có bài viết Hà Nội: Bến bãi, cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu phản ánh hiện tượng nhiều bến cảng, bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông không phép đang bủa vây sông Cầu (đoạn qua xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Đặc biệt, tại đây có những bến cảng vừa mới được xây dựng với hàng trăm mét bê tông kiên cố vươn ra dòng sông Cầu.
Sau khi bài viết được đăng tải, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Sóc Sơn đã có phản hồi nhiều nội dung liên quan đến vụ việc này.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn thừa nhận, những bến cảng, bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông đang hoạt động tại ven sông Cầu đều là không phép.
"Huyện đã quy hoạch những khu đất này vào mục đích thương mại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thể giao đất và cấp phép hoạt động cho những bến cảng, bãi tập kết, trạm trộn bê tông này", ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn, diện tích các bến cảng, bãi tập kết vật liệu, trạm trộn này một phần là đất công, một phần là đất nông nghiệp được các chủ bến bãi mua lại của người dân.
Tuy nhiên, vị Trưởng Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cho biết, thẩm quyền xử phạt những vi phạm này thuộc về UBND xã Trung Giã.
"Thẩm quyền xã xử lý nên xã đang lưu hồ sơ. Để nắm rõ từng bến bãi, bến cảng, trạm trộn bê tông thì phải hỏi xã, chúng tôi sẽ tổng hợp xem đã xử lý những trường hợp nào rồi", ông Toàn nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Khổng Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) lại cho biết, thẩm quyền xử phạt những vi phạm này thuộc về UBND huyện vì xã không đủ thẩm quyền.
Huyện nêu hàng loạt lý do khó dẹp bỏ vi phạm?
Trưởng Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cũng cho rằng, những vi phạm thì đã thấy rõ, nhưng không phải năm nào cũng xử phạt được.
"Nếu như năm nay xử phạt thì sang năm không thể xử phạt nữa. Không thể năm nào cũng phạt. Cái này chúng tôi sẽ xem xét quy định để xử lý một loạt", ông Toàn nói.
Trưởng Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cũng cho biết, nhu cầu thực tế của người dân trong mua bán vật liệu xây dựng nên đã xuất hiện những bãi tập kết này.
"Mấy năm trước chúng tôi giải tỏa 100% bến bãi ở xã Trung Giã thì giá cát tăng lên rất cao. Từ hơn 100 nghìn lên hơn 200 nghìn một khối. Tuy nhiên không vì thế mà để những vi phạm tồn tại, có vi phạm là kiên quyết xử lý, không có chuyện là không xử lý", ông Toàn nói.
Tuy nhiên, Trưởng Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn thừa nhận, không thể xử lý những vi phạm này liền một lúc, cần có thời gian khắc phục dần.
"Nếu mình dẹp hết luôn thì bất ổn định chính trị. Một mình mình có làm được không? Mình có thể tham mưu làm quyết liệt nhưng phải có lộ trình", ông Toàn nói.
Khi PV hỏi cụ thể những cá nhân, tổ chức nào đang xây dựng và hoạt động bến cảng, bến bãi, trạm trộn bê tông thì vị Trưởng Phòng TN&MT nói: "Chúng tôi đề nghị xã báo cáo, tổng hợp lại rồi cung cấp thông tin sau".