Bến bãi phớt lờ quy định công khai nguồn gốc cát, sỏi
Sau gần 1 tháng quy định mới có hiệu lực, hầu hết các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi vẫn phớt lờ, chưa thực hiện.
Nghị định 23/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông quy định, các bến, bãi tập kết cát, sỏi phải công khai thông tin và lắp đặt thiết bị giám sát mua bán, vận chuyển. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng quy định mới có hiệu lực, hầu hết các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi vẫn phớt lờ, chưa thực hiện.
Chủ mỏ, bến bãi ngạc nhiên về quy định mới
Đầu tháng 5/2020, quan sát của PV Báo Giao thông tại mỏ cát nổi, đồng thời là bến thủy nội địa Hồng Giang ven sông Hồng (xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), từ trên đường đê và đường dẫn vào mỏ, không có thông tin gì về mỏ cát.
Bên trong mỏ, tại chốt kiểm soát ô tô ra vào, chỉ có tấm biển thông tin sơ sài như: điểm góc giới hạn mỏ A1-A4, nội quy hoạt động bến thủy, còn không có các thông tin như: Giấy phép hoạt động mỏ (diện tích, sơ đồ phạm vi khai thác, thời gian khai thác trong năm...).
Các xe ô tô khi vào mua cát tại mỏ này được phát phiếu nhận cát, trước khi rời mỏ ký nhận tại chốt kiểm soát mà không qua thiết bị cân tải trọng.
Đại diện mỏ cho biết, mỏ và bến trên hoạt động từ hơn 2 năm nay, nhưng chưa biết gì về việc từ ngày 10/4 các mỏ khai thác, bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông phải thực hiện niêm yết công khai thông tin tại chỗ về giấy phép khai thác mỏ, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi, cũng như lắp đặt camera, trạm cân để giám sát khối lượng cát, sỏi được mua bán, giám sát phương tiện vận chuyển.
“Mỏ, bến của chúng tôi được cấp phép hoạt động từ năm 2017. Gần đây, tôi nghe một vài người nói mỏ khai thác cát chỉ được hoạt động ban ngày, không được khai thác vào ban đêm, còn không biết phải đáp ứng các quy định nào khác. Tới đây, khi có hướng dẫn của các cơ quan quản lý, chính quyền, chúng tôi sẽ thực hiện theo”, ông Nguyễn Đăng Hùng, đại diện mỏ và bến thủy trên nói.
Tương tự mỏ trên, dọc theo sông Hồng và sông Lô, ở một số đoạn sông có phương tiện tập kết để khai thác mỏ cát đều không nơi nào cắm biển báo thông tin công khai về hoạt động của mỏ.
Liên quan hoạt động của bến thủy, bãi chuyên tập kết, kinh doanh cát, sỏi, khảo sát trên các sông: Hồng, Đuống, Lô, Thái Bình cũng cho thấy, hầu hết chưa thực hiện quy định lắp đặt bảng niêm yết công khai thông tin về diện tích bến bãi, địa chỉ cung cấp cát, sỏi và lắp trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát sỏi được mua - bán theo quy định.
“Từ đầu năm 2020 đến nay, chưa thấy cơ quan quản lý nào thông báo phải bổ sung bảng thông tin hay thực hiện quy định gì mới. Bến hiện có camera nhưng chỉ để giám sát an ninh, không có giám sát riêng về khối lượng cát mua - bán”, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc bến thủy tại khu vực Chèm trên sông Hồng thuộc Công ty CP Kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết.
Chưa rõ thẩm quyền quản lý, chế tài xử phạt
Tìm hiểu của PV, Nghị định 23/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ ngày 10/4/2020 dành riêng một mục quy định về tập kết, vận chuyển và kinh doanh, sử dụng cát, sỏi lòng sông. Nghị định quy định rõ, bến, bãi phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin bến bãi tập kết cát, sỏi (với các nội dung: Địa chỉ cung cấp cát, sỏi); lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.
“
Theo Đại diện cảng vụ đường thủy, hiện đang tồn tại số lượng lớn bến thủy tập kết, kinh doanh cát, sỏi không phép và không thể yêu cầu bến không phép áp dụng bổ sung các quy định mới.
Đơn cử tuyến sông Hồng từ cầu Nhật Tân đến xã Thọ An có 12 cảng, bến có phép, ít hơn so với số bến cát, sỏi không phép đang hoạt động. Nghị định chỉ quy định đối với trường hợp cảng, bến thủy đã được cấp phép, còn trường hợp bến không phép nhưng vẫn tập kết, kinh doanh cát, sỏi thì không đề cập biện pháp xử lý.
”
Tuy nhiên, các chủ bến cho rằng, việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát khối lượng hoặc bảng thông tin nguồn gốc cát, sỏi rất khó thực hiện.
“Có lúc cát rẻ, bến mua vào để bán lại, nhưng cũng có khi chỉ cho thuê bãi để tập kết, bốc dỡ thuê. Cát cũng không lấy cố định từ một nguồn nên thông tin thay đổi liên tục. Nếu có lắp các bảng thông tin theo quy định mới cũng chủ yếu cho có, mang tính hình thức”, ông Nguyễn Văn Nam nói.
Tương tự, theo một chủ bến trên sông Thái Bình (Hải Dương), cát sau khi được tập kết tại bến thủy, bãi tập kết ven sông được vận chuyển bằng xe ô tô và chủ yếu tính theo khối.
Do đó, việc lắp trạm cân hay camera để giám sát khối lượng mua bán không có tác dụng thực tế, thậm chí gây tốn kém đầu tư.
“Các tàu chở cát, sỏi khi cập cảng, bến để đưa cát lên bờ đều được lực lượng công an kinh tế kiểm soát hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hàng hóa. Do đó, việc yêu cầu bến lắp trạm cân hay camera để phục vụ giám sát mua bán sản phẩm khiến bến phải thêm tiền đầu tư và không cần thiết”, một chủ bến (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một số đơn vị cảng vụ đường thủy cho biết, nghị định chưa quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, xử lý đối với việc cảng, bến không niêm yết công khai thông tin về cảng, bến và nguồn gốc cát, sỏi. Hiện, cũng chưa có quy định về chế tài xử lý hoặc mức xử phạt với các trường hợp vi phạm.
“Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng thông tư hướng dẫn để có căn cứ triển khai và xử phạt các trường hợp vi phạm”, đại diện cảng vụ đường thủy nói.