Bền bỉ cùng tranh kiếng
Trên đường An Dương Vương, thuộc phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành có một tiệm vẽ tranh kiếng đơn sơ với tên Hồng Hoa Mai- nơi có người họa sĩ gắn bó cả đời mình với nghề vẽ tranh kiếng.
Vẽ tranh kiếng là nghề thủ công truyền thống và là nét văn hóa dân gian đặc trưng ở Nam bộ. Tranh kiếng rất đa dạng về thể loại, như tranh thờ phụng, trang trang trí, tranh minh họa... Trong đó, phổ biến nhất vẫn là bộ tranh kiếng thờ cửu huyền thất tổ đặt trên bàn thờ gia tiên. Một số bức tranh kiếng lại có ý nghĩa giáo dục đạo lý làm người, nhắc nhở việc tu thân, hướng thiện.
Tranh kiếng từng có một khoảng thời gian hưng thịnh, phổ biến khắp thành thị cho đến các xóm làng. Theo xu thế, thời hoàng kim của nghề vẽ tranh trên kiếng đã qua, số lượng người làm nghề này tại Tây Ninh hiện tại chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Trên đường An Dương Vương, thuộc phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành có một tiệm vẽ tranh kiếng đơn sơ với tên Hồng Hoa Mai- nơi có người họa sĩ gắn bó cả đời mình với nghề vẽ tranh kiếng. “Hồng Hoa Mai là tên riêng của cô gắn với tên tiệm vẽ kiếng Hoa Mai ngày xưa của gia đình. Đây là nghề truyền thống của gia đình, cô học từ ba là họa sĩ Bùi Văn Truyệt”, cô Bùi Thị Tuyết Hồng- chủ tiệm kiếng chia sẻ.
Vừa phác thảo bức tranh cảnh vật làng quê, cô Tuyết Hồng kể, từ nhỏ cô đã làm quen với cọ, nước sơn; đến năm 11-12 tuổi, cô bắt đầu vẽ những chi tiết nhỏ, thực hành công đoạn đơn giản của vẽ tranh kiếng. Dần dần, cô thử tay nghề với những bức tranh lớn, nhiều họa tiết, công phu hơn. Không dừng ở việc học theo cha, cô Tuyết Hồng còn xuống TP. Hồ Chí Minh học thêm nghề vẽ tranh của một người Hoa để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
“Thời xưa, tiệm không chỉ có vẽ tranh kiếng mà còn nhận vẽ quảng cáo, chân dung… Theo thời gian, vẽ quảng cáo hay chân dung bằng phương pháp thủ công không thể nào cạnh tranh với vẽ bằng công nghệ, máy tính. Nhưng vẽ tranh kiếng vẫn có thể duy trì và là nét đặc trưng của tiệm. Ở đây, cô vẽ tay hoàn toàn nên mỗi bức vẽ đều khác nhau từ màu sắc đến nét chấm phá”- cô Tuyết Hồng cho biết.
Để hoàn thành một bức tranh kiếng phải trải qua nhiều công đoạn. Người họa sĩ sẽ phác thảo những đường nét cơ bản bằng màu mực tàu trên nền kiếng. Sau đó, tranh được phơi dưới nắng cho ráo mực rồi mang vào điểm tô sắc màu. Đây cũng là công đoạn khó nhất trong vẽ tranh kiếng. Điểm đặc trưng trong vẽ tranh kiếng chính là phương pháp vẽ ngược. Nghĩa là những nét chấm phá sau cùng sẽ được vẽ đầu tiên. Do đó, người họa sĩ không chỉ pha màu cho chân thật mà còn phải đúng thứ tự để khi lật ngược tấm kiếng, mọi người cảm nhận được đúng màu sắc của bức tranh. Với sự sáng tạo, khéo léo cùng thẩm mỹ của người họa sĩ, những cảnh núi sông, cây cỏ, hay đôi rồng, cặp phượng… trở nên sinh động, chân thật và hài hòa.
Ngày nay, tranh kiếng được sản xuất đại trà bằng phương pháp kéo lụa, giúp tạo ra thành phẩm nhanh, nhiều hơn, nhưng cô Tuyết Hồng vẫn trung thành với vẽ tranh kiếng bằng phương pháp thủ công. Với cô, đây cũng là cách để loại tranh dân gian này không bị mai một theo thời gian. Còn người vẽ tranh kiếng thủ công thì vẫn còn người ưa chuộng loại tranh dân gian, đậm chất Nam bộ xưa này. Dù không đông khách như những ngày xưa, nhưng tiệm kiếng của cô Tuyết Hồng luôn có hàng để làm đều đặn mỗi ngày.
Song, để có thể đủ chi phí cho cuộc sống, cô Tuyết Hồng phải tự mình làm hết các công đoạn, từ khâu cắt kiếng đến ra khuôn nhôm, đóng khung thành phẩm. Những công việc tưởng chừng nặng nhọc với người phụ nữ, cô Tuyết Hồng vẫn không ngại. Bởi, đó là cách để cô gắn bó được với nghề.
Những năm trước đây, thời gian cuối năm là lúc cô Tuyết Hồng bận bịu, tất bật cả ngày lẫn đêm để hoàn tất những đơn hàng của khách. Có người mang đôi liễn thờ đến nhờ cô giặm vá, điểm tô màu mới thêm rực rỡ để đón tết; có đôi vợ chồng mới cưới vừa chuẩn bị ra riêng, đến tiệm cô sắm soạn một bức trang thờ cho mái ấm mới. Năm nay dịch bệnh nhiều, những đơn hàng vì vậy cũng thưa thớt hơn. “Dù khó khăn thế nào thì cô vẫn làm. Dường như nghiệp vẽ tranh đã thấm sâu vào con người cô, không bao giờ dứt ra được. Cô vẫn vẽ tranh kiếng thủ công đến ngày nào không còn sức khỏe, buộc phải buông cọ thì thôi”- cô Tuyết Hồng tâm sự.
Hơn 50 năm, trải qua bao thăng trầm với nghề vẽ tranh trên kiếng, đối với cô Tuyết Hồng, đây không chỉ là một cái nghề mưu sinh, mà còn là một cách để giữ gìn nghề truyền thống của ông bà, lưu giữ hồn quê, hồn dân tộc.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ben-bi-cung-tranh-kieng-a140189.html