Bền bỉ, nỗ lực sáng tạo để giữ vững vị thế văn chương của Thủ đô
Từ bao đời nay, văn chương Thủ đô là đại diện tinh hoa của văn học Việt Nam. Vị thế đó hiện nay như thế nào trong bối cảnh văn chương từ trung tâm đời sống văn hóa, dần chuyển ra ngoại vi? Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Vị trí đặc biệt của văn chương Thủ đô
Phóng viên (PV): Văn chương Hà Nội có vị thế đặc biệt trong dòng chảy văn học Việt Nam. Theo ông, vị thế đó thể hiện ở những khía cạnh nào?
Nhà thơ Trần Gia Thái: Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã khái quát quy luật văn hóa Thăng Long-Đông Đô -Hà Nội là: “Hội tụ, kết tinh, lan tỏa”. Văn chương có lẽ là một trong những lĩnh vực thể hiện điều này rõ nhất. Hà Nội là kinh đô nước ta từ thế kỷ thứ 11 là giai đoạn đầu của nền văn học viết, trong tương quan phân biệt với văn học dân gian truyền khẩu. Với vị thế là Thủ đô nên tập trung nhiều nhân tài, mà tài năng nổi trội thời trung đại là phải có chữ, có tri thức nên tất yếu văn chương ở kinh sư cũng nổi trội so với địa phương khác.
Hơn nghìn năm qua, hầu hết tác gia văn chương lớn đều sinh ra hoặc gắn bó lâu dài với Hà Nội, như: Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ... Có ý kiến thú vị, đại ý là phải ở trên đất Hà Nội, uống nước sông Hồng rồi mới biết văn tài của mình đến đâu. Hà Nội thực sự là thánh địa văn học, kết tinh giá trị văn chương đích thực sau một quá trình “gạn đục khơi trong”. Rồi từ Hà Nội, nhiều xu thế, trường phái văn học mới lan tỏa khắp cả nước. Thêm vào đó, thị dân ở Thủ đô với trình độ tri thức, thẩm mỹ, điều kiện kinh tế trở thành lớp công chúng lý tưởng, kích thích văn học phát triển.
Từ năm 1954 đến nay, có một đặc điểm đáng chú ý của văn chương Thủ đô là sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân vào đời sống văn chương. Nếu trước đây, việc sáng tác được cho chỉ bó hẹp trong phạm vi giới trí thức; từ sau Ngày giải phóng Thủ đô, đông đảo nhân dân, người lao động đều tích cực sáng tác, thể hiện tình yêu văn chương mãnh liệt. Những cây bút không chuyên sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn chương rất sôi nổi, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tích cực. Mượn sự so sánh trong thể thao để nói chuyện vui, có thể thấy văn chương chuyên nghiệp và văn chương phong trào ở Thủ đô có khoảng cách trình độ không đáng kể, gắn bó mật thiết, làm dày lên tầm vóc văn chương Hà Nội.
Hiện nay, vị thế của văn chương Hà Nội vẫn tiếp tục giữ vững và phát triển. Hội Nhà văn Hà Nội có 786 hội viên, mỗi năm kết nạp khoảng 30 hội viên mới, là hội văn học địa phương lớn nhất cả nước. Đa phần các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Nhiều gương mặt văn chương đương đại nổi bật nhất vẫn đang sinh sống và sáng tạo tại Hà Nội.
PV: Các nhà nghiên cứu nhận định, văn chương từ chỗ là trung tâm đời sống văn hóa, đang dần chuyển ra ngoại vi. Hiện tượng này diễn ra trên địa bàn Hà Nội như thế nào, thưa ông?
Nhà thơ Trần Gia Thái: Tôi đồng ý với nhận định trên, nhưng tôi không quá bi quan. Chưa cần đến những con số thống kê để minh chứng, chỉ cần nhìn vào thực trạng là sách văn học vẫn được xuất bản nhiều, lượng tiêu thụ ổn định, có nghĩa văn chương vẫn được quan tâm, có đối tượng công chúng riêng.
Văn chương có thể không còn được đại đa số người dân, nhất là thị dân như ở Thủ đô yêu thích. Bởi lẽ họ có quá nhiều lựa chọn các hình thức giải trí trong thời buổi công nghệ lên ngôi. Văn chương gắn bó với con người đã hàng ngàn năm với tư cách là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Những hình thức giải trí dựa vào công nghệ không thể so sánh với văn chương ở độ sâu sắc. Vậy nên, khi con người dù ở lứa tuổi nào đi nữa vẫn vẹn nguyên khao khát làm giàu có ngôn ngữ, khám phá bản thể con người, hóa thân vào thế giới tưởng tượng, thì văn chương vẫn còn được ưa chuộng. Văn chương sẽ giữ được công chúng đích thực, đó là những người say mê văn chương, tìm thấy ở văn chương những điều thú vị, bổ ích ở chiều sâu văn hóa.
Kỳ vọng về tác phẩm lớn viết về Thủ đô
PV: Trước những thay đổi có phần bất lợi cho văn chương, Hội Nhà văn Hà Nội đã phát huy vai trò của mình ra sao, thưa ông?
Nhà thơ Trần Gia Thái: Hội Nhà văn Hà Nội là mái nhà chung của những cây bút yêu văn chương, yêu Hà Nội. Điểm nhấn của Hội trong thời gian qua là duy trì giải thưởng thường niên bảo đảm chất lượng. Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội trao cho mọi tác phẩm văn học Việt Nam, cũng như tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt xuất bản trong năm, dù tác giả hay dịch giả có thể không phải là hội viên của Hội. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội vì thế có chất lượng tầm cỡ quốc gia. Trong các hạng mục, có tặng thưởng Thành tựu trọn đời cho các nhà văn có cống hiến xuất sắc cho văn học, được dư luận đánh giá cao.
Hội Nhà văn Hà Nội duy trì sinh hoạt chuyên môn vào ngày 10 hằng tháng, thu hút đông đảo nhà văn, độc giả tham gia. Ngoài ra, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi văn chương tạo hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên, với kinh phí hằng năm chỉ khoảng 500 triệu đồng, rất khó khăn cho Hội Nhà văn Hà Nội có thể tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm thúc đẩy văn chương phát triển. Tất nhiên, chúng tôi phải nỗ lực vận động xã hội hóa để có thêm kinh phí hoạt động nhưng trong không khí văn chương không còn được ưa chuộng như trước, việc này là không hề dễ dàng.
PV: Hà Nội là một vùng địa-văn hóa thẩm mỹ trong văn học nghệ thuật, song thật khó điểm tên tác phẩm văn chương lớn viết về Hà Nội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà thơ Trần Gia Thái: Những thủ đô hay những thành phố giàu có về văn hóa đều có kiệt tác văn chương tôn vinh, như: Paris trong tác phẩm của Victor Hugo, Honoré de Balzac; Saint Petersburg là bối cảnh của nhiều kiệt tác của Fyodor Dostoyevsky; Paul Auster có hẳn bộ ba tiểu thuyết về New York...
Tôi cho rằng vấn đề nằm ở văn tài của các nhà văn. Theo quy luật, để có thể cho ra đời tác phẩm lớn, cần có tài năng lớn, mà có khi trăm năm mới xuất hiện. Tài năng văn chương đòi hỏi sự đam mê, dấn thân tận cùng, nền tảng văn hóa vô cùng sâu sắc và khả năng tìm tòi rất mạnh mẽ. Tôi cho rằng, “khí quyển” văn hóa, văn chương và trầm tích văn hóa-lịch sử ngàn năm của Hà Nội là những điều kiện quan trọng tạo cảm hứng cho nhà văn lớn. Song môi trường chỉ là một yếu tố, còn nhiều yếu tố khác quan trọng không kém để tác động hình thành một văn tài kiệt xuất.
Hiện nay, văn chương viết về Hà Nội rất nhiều nhưng chất lượng thực sự không quá nổi bật. Điều này khiến văn chương chưa làm tròn nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch như chúng ta kỳ vọng.
PV: Trong thời gian tới, Hội Nhà văn Hà Nội có những giải pháp gì để phát triển văn chương Thủ đô theo cả chiều rộng lẫn bề sâu?
Nhà thơ Trần Gia Thái: Trước khi nói về những giải pháp để phát triển văn chương Thủ đô, cần nói đến những giải pháp để “giữ ổn định”. Có ổn định thì mới phát triển được. Hội Nhà văn Hà Nội trong điều kiện thực tế, sẽ nỗ lực duy trì chất lượng các hoạt động vẫn được cho là có giá trị tích cực. Đồng thời tiếp tục định hướng, động viên, khuyến khích các nhà văn tập trung sáng tác, đặc biệt là chủ đề Hà Nội.
Điều quan trọng không kém là giữ vững tư tưởng của các nhà văn. Lao động nhà văn là lao động đặc biệt, hoạt động độc lập, thành thử khá nhiều nhà văn có suy tư, suy nghĩ chủ quan, hồn nhiên. Bây giờ là thời đại bùng nổ thông tin, tốt đẹp có mà xấu độc cũng có, tác động lên tâm tư, tình cảm của nhà văn. Song không phải cây bút nào cũng có đủ tỉnh táo điều chỉnh nhận thức, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, tác động. Do vậy, ở góc độ quản lý, chúng tôi không chỉ đạo theo mệnh lệnh mà thường thông qua các sinh hoạt, gặp gỡ, chủ động nắm bắt tư tưởng, trao đổi thẳng thắn, kịp thời về những vấn đề nảy sinh trong đời sống.
Về định hướng phát triển, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tập trung phát triển đội ngũ viết văn trẻ, xem đây là “của để dành” cho tương lai. Chúng tôi đang nghiên cứu để thành lập những câu lạc bộ văn chương trong nhà trường, kết nối để các em yêu thích văn chương có cơ hội giao lưu với các nhà văn nổi tiếng, tiếp cận với những tác phẩm văn chương mới nhất, khuyến khích động viên các em tích cực sáng tác. Tất nhiên, chúng tôi không ảo tưởng sẽ xuất hiện đội ngũ đông đảo nhà văn trẻ dấn thân vào nghiệp viết, song chắc chắn, khơi dậy tình yêu văn chương trong giới trẻ là một cách để tạo ra một lớp công chúng văn chương trong tương lai. Điều chúng tôi mong mỏi là sự đồng hành, giúp đỡ của cá nhân, tổ chức để văn chương Hà Nội thêm sinh khí mới, đạt được những thành tựu mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!