Bên bờ ao nhà mình

Tháng 8 mùa mưa đến nhanh sầm sập, trời đang nắng chang chang không hiểu cơn cớ gì bỗng đổ mưa ào ạt. Mưa giận dữ ném xuống mặt sân những đợt nước xóa trắng. Mưa tràn mặt sông, đổ đầy các đồng ruộng, làm ẩm mục lớp ngói nâu đen cũ sì trên mái nhà. Nhưng cũng vào những mùa tháng 8 như thế này, mưa giúp các ao chuôm làng tôi “giải nhiệt mùa hè”. Đây cũng là thời điểm lũ trẻ con chúng tôi thích nhất trong năm, suốt ngày lượn lờ quanh các bờ ao nghịch nước, tìm bắt tôm cá.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Làng tôi nằm ven sông, sông uốn khúc quanh co bên những xóm thôn hiền hòa, nhỏ xinh. Từ giữa làng vẫn nghe được tiếng tàu thuyền chạy, đêm khuya thanh vắng còn nghe được cả tiếng sóng trào lên các bãi bờ. Gần sông là thế nhưng gần như mỗi nhà đều “sắm” cho mình một cái ao. Dù to dù nhỏ mỗi nhà đều đào một cái ao ở trước cửa ngay cổng ra vào. Trên bờ ao, thể nào người làng cũng trồng một vài cây cau, thả thêm mấy dây trầu. Nhà chẳng có nhiều tiền để mua cá giống, cũng vào những ngày tháng 8 nước ngập đầy đồng, bố tôi đi tát, xúc tép, con nhỏ dùng để ăn, con to mang xuống ao thả làm giống. “Chắc đến cả con cá, con tôm nó cũng thương nhà mình nghèo, sinh sôi nảy nở rất nhanh cho cu Thành, cái Nghé có tôm cá trong ao ăn quanh năm nhé”, bà tôi cười tươi như hoa phát biểu mỗi lần bố cất vó ở ao.

Tháng 8, trời đã bắt đầu bớt nắng nhưng bố tôi thì có vẻ bồn chồn không yên. Năm nào vào những ngày tháng này cũng mưa nhiều có khi còn có bão lớn. Chốc chốc bố lại liếc mắt ra ao cá. Nếu mà mưa nhiều, nước không kịp thoát ao có thể ngập, bao công chăm sóc, nuôi dưỡng đàn cá của bố sẽ thành “công cốc”. Chưa kể, tình huống xấu, vỡ bờ ao thì thất thoát to. Bố tôi lo lắm, sự bồn chồn hiện ra hết đầu mặt. Ông tôi cười cười động viên, tình hình này, ao nhiều nhà trong làng sẽ ngập, cá lại đi… vòng tròn, biết đâu về ao nhà mình nhiều ấy chứ. Anh em tôi không hiểu hết nỗi lo của cả nhà, còn mong ao nhiều nước để dễ bề nghịch vọt, câu cá. Lũ trẻ xóm tôi còn thường xuyên chia sẻ thông tin tình hình nước ao, nước trong các giếng khơi cho nhau vào đầu mỗi buổi sáng, giữa trưa. Và cái đứa có “quyền” vênh mặt nhiều nhất là đứa nhà có ao bị ngập nước hơn cả. Để rồi, cả bọn thường xuyên rồng rắn đi xem nước ao, chĩa các loại cần câu làm bằng nhánh của một cây tre già chuốt phẳng phiu vỏ ngoài câu cá. Để rồi, có những lần bờ ao không chịu nổi sức nước vỡ toang từng mảng, “lùa” lũ nhóc chúng tôi chạy bán sống bán chết.

Bên bờ ao nhà mình là hàng trăm câu chuyện nho nhỏ cũng không kém phần thú vị của lũ trẻ quê chúng tôi. Từ những bờ ao ấy, từ những ngày nghèo xác xơ, đám nhóc lớn lên cùng với khát vọng thay đổi cuộc sống, đổi thay quê nghèo. Nhưng tôi cũng mang theo niềm tin rằng, trong trái tim nhiệt huyết, khát khao của mỗi đứa trẻ vẫn có chỗ dành cho những hoài niệm, thương mến quê nghèo, những tháng năm rực rỡ, thơ ngây của tuổi thần tiên. Hành trang chúng tôi mang theo vào đời, vì thế hình như cũng nhẹ nhõm và đẹp tươi hơn.

Nguyễn Hoa Xuân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/ben-bo-ao-nha-minh-c6830da/