Bên cạnh công nghiệp, Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sáng ngày 20/5, tại Bình Dương đã diễn ra Hội thảo Khoa học 'Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương'.
Chương trình được tổ chức nhân dịp chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, UBND huyện Phú Giáo và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM đồng thực hiện.
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; các nhà khoa học lĩnh vực nông nghiệp cùng lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, ban ngành địa phương.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Bình Dương đang phát triển mạnh với 4 khu nông nghiệp công nghệ cao. Với nhiều tiềm năng thế mạnh sẵn có, cùng với giải pháp phù hợp, Bình Dương có thể thúc đẩy phát triển NNCNC hơn nữa.
Hội thảo giới thiệu một số mô hình điển hình về NNCNC của tỉnh Bình Dương như Nông trại Vinamit Organic Farm (Công ty cổ phần Vinamit) nằm tại huyện Phú Giáo với diện tích hơn 150 ha với hơn 54 giống cây trồng, đạt được nhiều chứng nhận quốc tế. Khu NNCNC (UniFarm) An Thái, huyện Phú Giáo, thành viên của Tập đoàn U&I, với diện tích 500 ha, nổi tiếng với việc trồng chuối và dưa lưới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Hội thảo lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các lãnh đạo doanh nghiệp xoay quanh vai trò của khoa học công nghệ trong NNCNC tỉnh Bình Dương, thực trạng và định hướng phát triển. Vấn đề nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về NNCNC tại Đại học quốc gia TP.HCM; xây dựng quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh khoa học công nghệ, tạo sức bật mới cho kinh doanh. Vai trò của vi sinh vật trong nông nghiệp vì sự sống và chia sẻ thực tế thành công từ trang trại Vinamit Organic; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhìn từ khu NNCNC U&I; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm của Tập đoàn Anova Việt Nam; dịch vụ kết nối thương mại quốc tế cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và NNCNC; một số đề xuất phát triển NNCNC tại Bình Dương…
Tại hội thảo, nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển NNCNC đã được các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra. Như cần có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân, trang trại ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng sản xuất, ổn định giá cả vật tư thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra cho nông sản, xây dựng các kênh phân phối sản phẩm ra thị trường.
Từ kinh nghiệm của hơn 10 năm làm NNCNC, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT tập đoàn U&I, cho rằng cần có một số chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Như Chính phủ có thể giao thẩm quyền cho UBND tỉnh, thành phố chủ động phê duyệt và điều chỉnh mọi khu nông nghiệp theo đặc thù riêng của từng tỉnh. Nới lỏng quy định liên quan tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát giá thành vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, tạo điều kiện để tư nhân có thể tích tụ diện tích đất phù hợp để có thể áp dụng cơ giới, công nghệ và kỹ thuật trên cánh đồng lớn mà từ đó mới có thể có giá thành và năng suất cạnh tranh so với các nước khác.
Nhân dịp này, ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho một số cá nhân, doanh nghiệp có thành tựu trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao các ý kiến đóng góp, đề xuất rất thiết thực của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân. Ông Lợi cho biết tỉnh Bình Dương sẽ ghi nhận những đề xuất tại hội thảo và sẽ cùng các đơn vị, chuyên gia, người nông dân cùng ngồi bàn lại về những việc cần làm.
“Chúng ta sẽ xem xét các thứ tự ưu tiên về những việc cần làm. Vấn đề chính sách thì tỉnh sẽ rà soát lại, nếu chưa hợp lý thì đề nghị Trung ương. Vấn đề hạ tầng cần đáp ứng các nhu cầu để thu hút đầu tư, tạo điều kiện giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm. Đào tạo nguồn nhân lực cho NNCNC bằng cách kết nối các viện trường, các doanh nghiệp trang trại để việc đào tạo mang tính thực tiễn”, ông Lợi chia sẻ.
Được biết, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã trở thành tỉnh năng động, có nền kinh tế và công nghiệp phát triển. Trong khi đó tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương giảm dần, với năm 1997 là 22,8%; đến năm 2001 giảm còn 16,7% và năm 2020 là 3,15%. Dù tỷ trọng giảm nhưng nông nghiệp Bình Dương vẫn được chú trọng phát triển.
Những năm qua Bình Dương lựa chọn và chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là sau khi Luật Công nghệ cao 21/2008/QH12 được ban hành. Bình Dương đã kêu gọi các chủ đầu tư tham gia thành lập các khu vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương ngoài phục vụ thị trường trong nước còn xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.