Bên cạnh Covid-19, thêm lý do khiến kinh tế Trung Đông tổn thương
Không chỉ đại dịch Covid-19, giá dầu cũng là một yếu tố khiến kinh tế Trung Đông bất ổn.
Giá dầu giảm mạnh đang khiến kinh tế khu vực Trung Đông bị ảnh hưởng. (Nguồn: BBC)
Thêm nỗi lo cho kinh tế Trung Đông
Theo tuần báo Al-Ahram của Ai Cập, nền kinh tế Ai Cập nói riêng và các nước Trung Đông nói chung đang phải gánh chịu những tổn thương sâu sắc từ dịch Covid-19.
Thị trường chứng khoán Ai Cập đã chứng kiến làn sóng bán tháo ồ ạt trong tuần này, khi chỉ số chứng khoán EGX30 có lúc sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Tính chung trên toàn thế giới, các thị trường chứng khoán ghi nhận hơn 7.000 tỷ USD “bốc hơi” trong phiên giao dịch đầu tuần.
Cố vấn kinh tế cấp cao tại tập đoàn bảo hiểm Allianz Mohamed Al-Erian nhận định, thị trường toàn cầu đang chứng kiến giai đoạn điều chỉnh quan trọng, trong bối cảnh các triển vọng kinh tế vĩ mô và dữ liệu doanh nghiệp yếu, đặc biệt là xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn. Theo chuyên gia Al-Erian, kinh tế thế giới đã rơi vào ranh giới bất định kể từ sau sự bùng phát của dịch Covid-19 và kinh tế Ai Cập hay khu vực Trung Đông cũng không trở thành ngoại lệ.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khi sẽ có thêm nhiều ca lây nhiễm và nhiều khu vực bị ảnh hưởng, nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Trong bài viết mới đây, nhà kinh tế học Hani Tawfik nhận định, sự tồn tại dai dẳng của dịch bệnh sẽ gây ra tình trạng đình đốn sản xuất, thậm chí hủy hoại nền kinh tế toàn cầu. Hoạt động trao đổi thương mại sẽ sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo sản lượng, nhu cầu tiêu thụ và thu nhập đều giảm theo. Bên cạnh đó, nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, tỷ lệ thất nghiệp và phá sản doanh nghiệp sẽ thực sự rơi vào tình trạng báo động.
Không thiệt hại vì Covid-19, thị trường chứng khoán các nước vùng Vịnh rơi vào tình trạng hoảng loạn sau khi giá dầu giảm mạnh do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt, dẫn đầu là Nga, không thể đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tiếp tục suy giảm khi dịch Covid-19 đang lây lan mạnh hiện nay. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Kuwait đều ghi nhận mức sụt giảm 7-10% trong tuần này.
Trên thị trường dầu mỏ, phiên giao dịch đầu tuần này ghi nhận giá “vàng đen” rớt xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng, mức thấp kỷ lục kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Đây là hệ quả tức thì sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ tăng mạnh sản lượng kể từ tháng 4 tới lên mức trên 10 triệu thùng/ngày, thậm chí cán mốc 13 triệu thùng/ngày, động thái được coi là để đáp trả việc Nga không ủng hộ đề xuất cắt giảm sản lượng tại cuộc họp OPEC+ trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, đến phiên 12/3, giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm hoạt động đi lại từ châu Âu sang Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, giữa lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Trung Đông hoảng loạn vì giá dầu giảm và tác động từ Covid-19. (Nguồn: Arab News)
Giải quyết yếu tố bất định
Đối với Ai Cập, ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 thể hiện rõ trong ngành du lịch, hàng không, xuất khẩu và nguồn kiều hối. Chính phủ Ai Cập hiện đang chuẩn bị các kịch bản khác nhau nhằm hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn tờ Enterprise Press, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait khẳng định, Ai Cập đã sẵn sàng giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong trường hợp khủng hoảng kéo dài hơn dự kiến, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ được cân nhắc điều chỉnh. Trước đó, Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong tài khóa này.
Ngày 12/3, Ngân hàng Trung ương Iran cũng đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ khoản vay 5 tỷ USD để giúp nước này trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trên toàn cầu, IMF thông báo sẽ dành khoản ngân sách 50 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp cần hỗ trợ khẩn cấp. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva khẳng định, cú sốc mà dịch Covid-19 gây ra là bất thường khi nó ảnh hưởng tới cả yếu tố nguồn cung và nhu cầu. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng một phần do các nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, trong khi chi phí kinh doanh cao hơn do nguồn tín dụng bị thắt chặt.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cũng giảm do sự bất định của nền kinh tế, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và chi phí cao hơn làm giảm khả năng chi tiêu. Theo IMF, thách thức lớn nhất hiện nay là giải quyết yếu tố bất định. Trong bất kỳ kịch bản nào, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 cũng sẽ thấp hơn so với mức tương ứng của năm ngoái. Dịch bệnh sẽ diễn biến và kéo dài như thế nào là điều khó dự đoán và phụ thuộc vào mức độ hành động hiệu quả của các nước trên thế giới.