Bên cạnh tủ đồ hiệu, tủ rượu, doanh nhân cần có tủ sách
Dự án 'Mỗi nhà một tủ sách' được ra mắt nhằm tri ân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và hướng tới đối tượng chính là các doanh nhân Việt Nam trong xây dựng thói quen đọc sách.
Sáng ngày 13/10, tại khách sạn quốc tế Bảo Sơn (50 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), Tân Việt Books tổ chức lễ ra mắt dự án “Mỗi nhà một tủ sách” với chuỗi chương trình: “Tủ sách gia đình”, “Tủ sách từ thiện”, “Tủ sách doanh nghiệp”, “Tủ sách trường học”, “Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng”...
Sự kiện có sự tham gia của khoảng 150 khách mời là các doanh nhân đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau trên cả nước.
Tại lễ ra mắt, bà Kim Thoa - CEO Tân Việt Book - thể hiện mong muốn doanh nhân sẽ là cộng đồng tiên phong trong việc xây dựng thói quen đọc sách. “Doanh nhân là lực lượng nòng cốt của một quốc gia, góp phần xây dựng quốc gia phát triển hùng mạnh. Trong đó, phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng”, bà Thoa cho biết.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chia sẻ về những nỗ lực phát triển văn hóa đọc ngày nay của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức. Đồng thời, ông hy vọng dự án sẽ góp sức cho cộng đồng về phát triển văn hóa đọc một cách bền vững, đánh thức trách nhiệm của mỗi gia đình trong phát triển văn hóa đọc.
Theo đó, dự án “Mỗi nhà một tủ sách” hướng tới mục tiêu xây dựng được khoảng 3.000 tủ sách mỗi năm. Theo kế hoạch, tùy theo nhu cầu mỗi cá nhân, tập thể, các mức giá của tủ sách được cung cấp dao động 5-20 triệu đồng. Từ đó kêu gọi các doanh nhân xây dựng tủ sách trong nhà, trong cơ quan, bên cạnh những tủ quần áo, giày dép để thói quen đọc sách ngày một nâng cao trong gia đình và doanh nghiệp.
Chia sẻ với Zing về ý thức đọc sách ngày nay của giới doanh nhân nói riêng và người Việt nói chung, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Hà Nội, nhận xét đây là vấn đề còn khá khiêm tốn. Theo bà, ý thức đọc sách của người Việt trong thời gian gần đây đã thay đổi khá nhanh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trong khu vực còn hạn chế.
“Trong giới doanh nhân, mọi người tiếp cận nhiều loại sách khác nhau và bằng nhiều cách khác sau. Thế nhưng, nhiều người xung quanh tôi, nằm trong giới doanh nhân thường tâm sự rằng, mỗi lần đọc sách lại buồn ngủ. Vậy nên đọc sách cũng là một kỹ thuật: xuất phát từ mong muốn của chính người đọc, sau đó là biết cách đọc và dần dần rèn luyện”, bà cho biết.
Bà Ngọc cũng nhấn mạnh giới doanh nhân nên là một trong những giới tiên phong trong việc xây dựng thói quen đọc sách. Theo đó cũng cần sự nỗ lực của cả xã hội để có thể đạt được kết quả tốt nhất. “Ngoài việc làm kinh tế, giới doanh nhân chúng tôi còn muốn lan tỏa những điều tích cực về thói quen đọc sách đến xã hội. Nếu doanh nhân có ý thức, tạo ra những lợi ích từ đọc sách thì có thể ảnh hưởng tốt đến công nhân viên, khách hàng của mình”, bà bày tỏ.