Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Bảo vệ quyền, lợi ích của người được trợ giúp pháp lý
Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dũng phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu nêu ý kiến về đối tượng được trợ giúp pháp lý và việc xã hội hóa đối với công tác này nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đánh giá, dự án Luật Trợ giúp pháp lý lần này đã kế thừa quy định trong Luật hiện hành. Đối tượng được trợ giúp pháp lý được quy định trong dự án Luật cũng phù hợp với quy định pháp luật khác như Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng hay những quy định liên quan đến người yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Chiến băn khoăn về nội dung điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý và cho rằng quy định như vậy sẽ thu hẹp đối tượng được trợ giúp.
Đại biểu dẫn chứng, nếu theo Luật hiện hành thì những người khuyết tật, gia đình người có công… thuộc đối tượng ưu tiên được hưởng trợ giúp pháp lý nhưng trong dự án Luật lần này, các đối tượng trên phải thêm điều kiện “có hoàn cảnh khó khăn” mới được trợ giúp.
“Điều này sẽ tác động đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vì thế tôi cho rằng cần cân nhắc quy định này”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến phân tích.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, việc quy định như vậy là do điều kiện ngân sách chưa đủ và nguồn lực chưa bảo đảm thì chưa phải là lý do thỏa đáng.
Thực tế, dự án Luật đã đề cập đến yếu tố xã hội hóa để thực hiện trợ giúp pháp lý rất lớn, đặc biệt tập hợp lực lượng tham gia trợ giúp pháp lý gồm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, đội ngũ luật sư…
Luật Luật sư quy định, luật sư có trách nhiệm trợ giúp pháp lý miễn phí 8 giờ/năm. “Luật sư luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này nhưng quy định đó đòi hòi phải thể chế hóa, phối kết hợp với Luật Trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện để nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý được nâng lên và mạnh lên. Làm được điều này sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước trong việc chi phí cho trợ giúp viên pháp lý đồng thời mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, đối tượng được trợ giúp pháp lý như trong dự án Luật đã được mở rộng, từ 4 nhóm đối tượng trong Luật hiện hành lên 8 nhóm đối tượng, trong đó bổ sung các đối tượng khó khăn, yếu thế như: người khuyết tật, trẻ em, nạn nhân của các vụ mua bán người…
Tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh chỉ rõ, cần gom nhóm đối tượng được trợ giúp lại, không nên liệt kê chi tiết để tránh tình trạng thiếu hoặc bỏ sót.
Về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, thành lập Chi nhánh chỉ ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là chưa đủ mà cần bổ sung thêm cả khu vực biên giới, vùng núi khó khăn để các đối tượng được trợ giúp tốt nhất.
Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đánh giá, quy định còn mờ nhạt và cần có cơ chế cụ thể. Nếu không nêu rõ trong Luật thì cần quy định trong Nghị định để hướng dẫn cụ thể.