Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV: Cần tiếp tục chính sách hỗ trợ học tập cho đồng bào dân tộc thiểu số
Chiều 6/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Những nội dung được đưa ra tại nghị trường Quốc hội đã nhận được sự quan tâm của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, bởi Thành phố cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số chọn làm nơi sinh sống.
Nhất trí với báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Tiến sỹ Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vùng Nam Bộ, cho rằng Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách chung cho cả nước và nhiều chính sách riêng cho các dân tộc thiểu số; đồng thời cụ thể các chính sách đó bằng những chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu cụ thể tại các địa phương, từ đó giúp đời sống và chất lượng cuộc sống của các dân tộc thiểu số được cải thiện và nâng cao rõ rệt.
Có chung ý kiến với đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Tiến sỹ Phú Văn Hẳn nhận xét, bên cạnh những thay đổi tích cực, cũng còn một bộ phận đồng bào dân tộc còn gặp khó khăn, nghèo, tiềm ẩn rủi ro và dễ bị tổn thương do chưa tiếp cận khai thác, tận dụng tiềm năng một cách đầy đủ, hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực nhân văn tại vùng sinh sống để chuyển đổi sinh kế, đa dạng hóa việc làm, giúp cho việc tăng thu nhập, ổn định, nâng cao đời sống kinh tế.
Công tác phổ cập giáo dục đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và bảo đảm môi trường sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cải thiện, song vẫn chưa bảo đảm nhu cầu an sinh xã hội và nhu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Chương trình giảm nghèo, tạo việc làm và đa dạng hóa việc làm có những chuyển biến đáng kể nhưng thiếu bền vững và chưa phù hợp phong tục, tập quán, trình độ phát triển các dân tộc thiểu số.
Là một người có nhiều năm nghiên cứu về đồng bào dân tộc thiểu số, Tiến sỹ Phú Văn Hẳn cho rằng, dạy nghề và tạo việc làm cho lao động phổ thông ở các dân tộc thiểu số là một yêu cầu, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đa dạng hóa việc làm, tạo thu nhập phù hợp với tập quán và trình độ phát triển của mỗi dân tộc thiểu số, từ đó cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh công bằng xã hội và giảm thiểu lao động xuất cư.
Liên quan đến nội dung chất vấn, cử tri Thạch Son (Phường 12, quận Tân Bình), nơi có đông đồng bào Khmer cư trú cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có sự hiện diện nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Một trong những điểm sáng về chính sách dân tộc triển khai tại Thành phố đó là sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc học tập, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành một lực lượng lao động có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển Thành phố.
Từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã triển khai chính sách miễn học phí hoàn toàn từ lớp 1 đến lớp 12; hỗ trợ học nghề và các cấp học sau phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số, tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng dân tộc thiểu số khi mà đa số các dân tộc thiểu số ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nghèo, là những người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào Khmer và Chăm.
Theo ông Thạch Son, từ tình hình cuộc sống của đồng bào Khmer tại Thành phố, chính sách quan tâm hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nên tiếp tục được triển khai và mở rộng, nâng cao hơn, như có chính sách cụ thể đối với con em dân tộc thiểu số có nhu cầu học nghề phù hợp; hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên dân tộc thiểu số học đại học và sau đại học. Từ đó, sẽ tạo ra một nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số chất lượng cao, có tri thức và là tấm gương khuyến khích cho sự phấn đấu của con em đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố.