Bên lề Quốc hội: Cân nhắc việc ban hành hai luật chuyên ngành về giao thông đường bộ
Xung quanh dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu nêu việc cân nhắc tách lĩnh vực giao thông đường bộ thành hai luật chuyên ngành.
Ngày 11/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu nêu việc cân nhắc tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai luật chuyên ngành. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV xung quanh nội dung này.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng): Giải quyết tồn tại trong Luật Giao thông đường bộ
Theo tôi, việc tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chỉ mang tính hình thức.
Trong khi việc quan trọng nhất là giải quyết vướng mắc còn tồn tại trong Luật Giao thông đường bộ thì chưa được phân tích như: trách nhiệm của các bên trong quản lý phương tiện, xử lý tai nạn giao thông, đặc biệt là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, chủ phương tiện khi tham gia giao thông… Như vậy, việc phân tích chính sách ở đây chưa được thể hiện rõ.
Cơ quan soạn thảo cần có tài liệu bổ sung, cụ thể các chính sách lớn, các vấn đề giải quyết ở luật cũ tại hai dự án luật mới. Theo dự thảo, lĩnh vực giao thông đường bộ được đặt ở hai cơ quan thì cùng đề cập đến một số nội dung; trong đó, có phương tiện tham gia giao thông, nhưng đề cập đến chính sách nào thì chưa rõ.
Tôi cho rằng, về các dự án luật này phải do Chính phủ trình Quốc hội, chứ không phải hai bộ chuyên ngành là Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải. Nếu không sẽ dẫn tới câu chuyên vướng về việc có hay không việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai luật chuyên ngành, hay vấn đề chuyển việc cấp bằng lái xe về Bộ Công an.
Quốc hội nên xem xét sửa Luật Giao thông đường bộ theo khuôn khổ cũ và giải quyết vướng mắc, tồn đọng của luật này. Sau đó, việc thực thi Chính phủ sẽ phân định rõ ràng cho các Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải hay địa phương... để tránh chồng chéo, bảo đảm trình tự quy định pháp luật.
Đại biểu Ngô Minh Châu (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Bảo đảm tính chuyên sâu của luật
Dự án tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là có cơ sở.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ việc ban hành hai luật này, bảo đảm tạo nên sự phối hợp chặt chẽ, giải quyết được các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc từ luật trước. Thực tế, khi ban hành hai luật thì các vấn đề sẽ được chuyên sâu hơn, một lĩnh vực về kinh tế, kỹ thuật, một vấn đề về an toàn giao thông.
Theo dự thảo, các luật này khi ban hành bảo đảm 3 mục tiêu: bảo đảm lưu thông được thông thoáng; giảm tối đa ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông, đặc biệt liên quan đến số lượng thương vong.
Liên quan đến việc cấp bằng lái xe chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Bộ Công an, thì trước đây việc này đã thuộc về thẩm quyền của Bộ Công an sau mới là Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay.
Việc chuyển lại về Bộ Công an sẽ bảo đảm liên thông trong quản lý dữ liệu, từ đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đến kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật xử lý vi phạm. Từ đó, tạo thuận tiện trong công việc, tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả quản lý.
Về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nên giao cho Bộ Giao thông Vân tải để giải quyết được vấn đề chuyên sâu như bảo đảm diện tích cho giao thông công cộng, nhất là khi các thành phố lớn trên cả nước chịu áp lực rất lớn về vấn đề giao thông tĩnh.
Tuy nhiên, nội dung này liên quan đến nhiều luật như Luật Xây dựng… nên phải quy định cụ thể, phù hợp và tùy điều kiện phải có lộ trình.
Giao thông tĩnh hiện nay có 2 nơi là nơi đỗ xe công cộng và nơi đỗ xe đối với cơ sở tư nhân, nơi ở. Nhiều chung cư khi xây dựng lên và người về ở còn chưa đủ chỗ đỗ xe cho cư dân. Đây là vấn đề cần giải quyết.
Hay như, theo thời gian, số người dân tham gia giao thông chuyển dần phương tiện từ xe gắn máy sang xe ô tô thì giao thông tĩnh càng bức thiết hơn. Hay các hãng taxi hiện rất nhiều nhưng bãi đỗ thì thiếu và cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang): Cần cơ chế phối hợp và giải quyết hiệu quả, hài hòa
Chúng ta nên mạnh dạn sửa Luật Giao thông đường bộ, điểm nào thiếu thì bổ sung, sao cho hoàn thiện, thay vì tính việc tách hay không tách luật này thành hai dự án luật mới. Điều này hoàn toàn khả thi.
Tôi cho rằng, về việc quản lý, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, từ khi Bộ Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm (năm 1995) thì cơ bản ổn định. Nếu muốn chuyển việc này từ Bộ Giao thông Vận tải về Bộ Công an thì cần đánh giá cụ thể hơn nữa về ưu - nhược điểm và nếu hạn chế đến mức không sửa đổi được thì mới cần chuyển đổi.
Ngành công an nên tập trung vào vấn đề trật tư an ninh xã hội, trật tự; an toàn giao thông cứ để ngành giao thông đảm nhận. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện, Bộ Công an tập trung kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Chưa kể, nếu giao cho Bộ Công an cả lĩnh vực giao thông đường bộ thì liệu điều kiện, cơ chế thực hiện sẽ thay đổi như thế nào, nguồn lực thực hiện, cơ sở vật chất đầu tư ra sao… trong khi Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện bao nhiêu năm qua.
Quay trở lại câu chuyện bằng giả, cũng nên đặt câu hỏi, liệu Bộ Công an có giải quyết được triệt để vấn đề này hay chúng ta chỉ cần thực hiện pháp luật một cách cương quyết, khách quan thì tình trạng bằng giả sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất. Và đến một thời điểm nào đó không còn nữa.
Nên chăng, trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải cần ngồi lại với nhau để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành. Từ đó, có cơ chế phối hợp, giải quyết hiệu quả, hài hòa vấn đề giao thông đường bộ./.