Bên lề Quốc hội: Giải phóng năng lực, gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế
Trong phiên làm việc chiều 6/1 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Bên lề kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ ý kiến và kỳ vọng vào những tác động tích cực nếu dự án Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này.
Là người công tác trong ngành Y, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên), Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho rằng, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) là luật có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến đời sống người dân. Đại biểu đánh giá cao Bộ Y tế đã chuẩn bị rất chu đáo dự án Luật, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
“Tôi mong muốn Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) ban hành càng sớm càng tốt, nhất là trong bối cảnh Luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, thậm chí gây cản trở bước tiến hiện nay trong công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, hợp tác công tư và đặc biệt là khám, chữa bệnh chất lượng cao”, đại biểu Nguyễn Công Hoàng chia sẻ.
Trong dự thảo Luật lần này có nhiều điều khoản quy định mà theo đại biểu sẽ tháo gỡ những điểm thắt hiện nay trong huy động các nguồn lực xã hội đối với ngành y tế. Nhiều cơ sở y tế công lập đang có tình trạng xuống cấp hạ tầng nhưng lại “không dám” huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cấp hoặc thay mới do không có cơ chế pháp lý.
“Tôi muốn nói đến việc huy động các nguồn lực xã hội đối với ngành y tế vô cùng cần thiết. Đây cũng là một trong những điểm để giảm đi các đầu tư công. Trong thời điểm mà đầu tư công còn nhiều hạn hẹp thì huy động các nguồn lực xã hội là vô cùng quan trọng”, đại biểu Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.
Để huy động các nguồn lực xã hội cho ngành y tế, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho rằng, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cần có những hành lang pháp lý chặt chẽ vừa tạo điều kiện thuận lợi song cũng đảm bảo cho việc huy động được công khai, minh bạch.
Có cùng mong muốn Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thanh Vân (Thanh Hóa) cho biết, ông mong muốn Luật sửa đổi cần làm rõ đầu tư tư nhân và đầu tư công cũng như trách nhiệm của y tế tư nhân tham gia y tế công, khám chữa bệnh theo giá bảo hiểm y tế.
Để y tế tư nhân phát triển lành mạnh, không có yếu tố trục lợi bảo hiểm y tế, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần định ra một tỷ lệ thích hợp khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế của các cơ sở y tế tư nhân. Luật cần đảm bảo cho y tế tư nhân kinh doanh có lãi, tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư khoa khám, chữa bệnh, nghiên cứu ứng dụng về chẩn đoán lâm sàng và điều trị, đồng thời giữ được chân đội ngũ y, bác sĩ giỏi không ra nước ngoài làm việc để hưởng thù lao cao hơn, cũng như người bệnh có điều kiện kinh tế ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng chia sẻ thêm, việc phân định rõ đầu tư tư nhân và đầu tư công cũng đảm bảo cho việc giá dịch vụ y tế được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, qua đó giải phóng năng lực, vướng mắc trong thực hành cơ chế tự chủ cho các cơ sở y tế.
“Từ chỗ quy định khá chung mà thực chất là chưa có quy định, mới chỉ có quy định thí điểm thì nay các cơ sở y tế được chính thức sử dụng quyền của mình, tự chủ trong việc hạch toán. Hạch toán ở đây có nghĩa là hạch toán những chi phí theo quy định để chi trả đúng giá đối với các dịch vụ mà bắt buộc theo quy định về bảo hiểm y tế, tính đúng, tính đủ, còn ở khía cạnh khác thì họ được hạch toán để tổ chức đầu tư thêm và chi phí đấy sẽ được tính vào phí dịch vụ mà người bệnh phải chi trả ngoài bảo hiểm. Lần này luật quy định một cách rõ ràng, chứ không còn thí điểm tự chủ như trước nữa. Hay nói cách khác, nếu được Quốc hội thông qua, Luật sẽ chính thức hóa cho phép các cơ sở y tế được quyền làm, cái nào là nghĩa vụ công, cái nào là phần gia tăng đầu tư để chi cho đầu tư, thu bù đắp chi”, Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.