Bên lề Quốc hội: Quy định trách nhiệm để quản lý hiệu quả xuất xứ và chất lượng hàng hóa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ.

Số hàng hóa bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu bị hư hỏng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Số hàng hóa bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu bị hư hỏng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp hơn với phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh, đến sức khỏe và lòng tin của nhân dân, gây hoang mang lo lắng trong dư luận. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ. Vậy, cần có những giải pháp gì để ngăn chặn được tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng; đồng thời, đảm bảo công tác chống buôn lậu, quản lý hàng hóa đạt hiệu quả cao?
Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 20/5, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hàng hóa kém chất lượng; quy định trách nhiệm của từng cán bộ trong thực thi nhiệm vụ và tăng hình phạt để đảm bảo tính răn đe hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/vnanet.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/vnanet.vn

*Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Tăng hình phạt để đảm bảo tính răn đe

Có thể nói, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian qua đã gây rất bức xúc trong dư luận và đây là một vấn đề rất nhức nhối. Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã triệt phá, bóc gỡ, phát hiện rất nhiều đường dây sản xuất, lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trước tình hình đó, trước hết, đòi hỏi các cơ quan chức năng có liên quan phải rà soát lại toàn bộ những quy định pháp luật xem có còn kẽ hở nào để cho các đối tượng lợi dụng hay không. Thứ hai nữa là chế tài xử lý tình trạng này đã đảm bảo đủ sức răn đe hay chưa mà để hiện tượng vi phạm tràn lan như vậy trong thời gian qua. Tôi cho rằng, đây là một loại tội phạm gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Chính bởi vậy, Quốc hội cũng đã xem xét và sửa đổi một số luật có liên quan đến loại tội phạm này. Chẳng hạn, đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo cũng đã quy định trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng trong việc đứng ra quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả. Vì từ trước đến nay Luật của chúng ta cũng chưa quy định đến trách nhiệm của người chuyển tải thông tin, có nghĩa là người đứng ra quảng cáo sản phẩm.

Thực tế vừa qua, cũng có rất nhiều người có ảnh hưởng đến công chúng đứng ra quảng cáo những sản phẩm chưa được kiểm định về mặt chất lượng; trong đó, có không ít các sản phẩm kém chất lượng. Việc ràng buộc trách nhiệm của người quảng cáo các sản phẩm khiến cho người quảng cáo phải quan tâm hơn đến chất lượng của sản phẩm mình quảng cáo và có trách nhiệm đối với sức khỏe của cộng đồng.

Tôi cũng cho rằng, đối với Bộ luật hình sự rất cần được rà soát, sửa đổi một số chế tài liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái. Hiện, cơ quan chức năng cũng đang đề xuất để sửa đổi một cách toàn diện Bộ luật hình sự theo hướng vừa tăng chế tài xử phạt là phạt tù và tăng chế tài xử lý là phạt tiền. Tôi nghĩ rằng, đây là một động thái rất cần thiết. Qua đó, các cơ quan lập pháp phải siết chặt các quy định của pháp luật, bởi vì với những tội danh liên quan đến việc gây ảnh hưởng xấu đến xã hội nói chung cũng như đến sức khỏe, tính mạng con người nói riêng thì chắc chắn phải có hình phạt thích đáng. Hơn nữa, trước tình trạng loại tội phạm này dường như ngày càng gia tăng thì chúng ta cần phải điều chỉnh hình phạt để làm sao đảm bảo tính răn đe hơn.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/vnanet.vn

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/vnanet.vn

*Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hàng hóa kém chất lượng

Tôi cho rằng, Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ là đúng, bởi vì, tình trạng này đang xảy ra nhan nhản mà người dân rất bức xúc về vấn đề này. Tôi có phát biểu rằng, những người dân mà lỡ uống sữa giả, thực phẩm chức năng giả thì người dân có được bồi thường hay không? Nhưng thực tế là từ trước đến nay, những người dân lỡ uống sữa giả, thực phẩm chức năng giả không được bồi thường. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao bây giờ các cơ quan chức năng mới tăng cường thực hiện kiểm tra. Đúng ra, chúng ta phải thường xuyên khảo sát, kiểm tra thị trường, chúng ta không vào các doanh nghiệp sản xuất nhưng chúng ta có thể có những cuộc khảo sát, kiểm tra những sản phẩm trên thị trường có đảm bảo về chất lượng hay không? Cùng với đó, các cơ quan chức năng có thể lấy mẫu ngẫu nhiên để thực hiện kiểm tra hoặc truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm đang lưu thông trên thị trường. Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ biết ngay những sản phẩm đó là có thật hay không để tiến hành những đợt kiểm tra trọng tâm, trọng điểm với từng nhóm hàng cụ thể. Có thực hiện thường xuyên những đợt kiểm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm trên thị trường thì mới có thể hạn chế, loại bỏ được hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/vnanet.vn

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/vnanet.vn

*Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng): Quy định trách nhiệm của từng cán bộ trong thực thi nhiệm vụ

Từ khi thương mại điện tử xuất hiện, chưa có bất cứ một cơ sở pháp lý nào để quản lý các sàn thương mại điện tử. Hàng hóa được đưa ra thị trường mà không được kiểm soát chất lượng, không biết họ đã kinh doanh như thế nào và Nhà nước không thu được thuế. Đặc biệt, gần đây, những vụ việc để thực phẩm giả, thuốc giả tuồn vào một số bệnh viện được phát hiện đã không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn gây ra các nguy cơ đe dọa đến sức khỏe người dân. Tôi cho rằng, đây là một khoảng trống pháp lý rất lớn, cần được kiểm soát triệt để đối với nhiều nhóm hàng hóa đang lưu thông trên thị trường. Đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, chưa được kiểm tra, chưa được quản lý và chưa được hậu kiểm chặt chẽ. Do vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cần có một số quy định cụ thể, rõ ràng để kiểm soát tốt hơn sản phẩm, hàng hóa, ngăn chặn nguy cơ sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Bên cạnh việc bổ sung, sửa đổi để kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa trên thị trường, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa, tăng cường trách nhiệm của cán bộ quản lý trong lĩnh vực này nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề này. Để làm được điều đó, phải quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cán bộ trong việc thực thi nhiệm vụ để có cơ sở giám sát, đánh giá và xem xét trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc đáng tiếc.

Thúy Hiền/BNEWS/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-quy-dinh-trach-nhiem-de-quan-ly-hieu-qua-xuat-xu-va-chat-luong-hang-hoa/374238.html