Bên lề sân cỏ Cúp Báo Nghệ An: Bõ công bà rồi!

Bước vào loạt trận tứ kết, mỗi trận đấu luôn kết thúc bằng rất nhiều cảm xúc - những cảm xúc đủ mạnh để 'lây' sang cả những người ngoài cuộc.

Bõ công bà rồi!

Trận tứ kết giữa Thiếu niên Thành phố Vinh và Thiếu niên Hoàng Mai kết thúc với rất nhiều cảm xúc. Thăng hoa nhất có lẽ là cảm xúc của hai bà cháu thủ môn Phạm Hoàng Gia Bảo - đội Thiếu niên Thành phố Vinh, ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh người bà 84 tuổi của Gia Bảo lẫm chẫm chạy vào sân, giang 2 tay ôm chầm lấy đứa cháu ngoại với niềm tự hào. Gia Bảo đã mang về chiến thắng cho đội Thiếu niên Thành phố Vinh khi 2 lần cản phá thành công trong loạt đá luân lưu.

Khoảnh khắc ấn tượng nhất của đội Thiếu niên TP. Vinh sáng nay. Ảnh: Diệp Thanh

Khoảnh khắc ấn tượng nhất của đội Thiếu niên TP. Vinh sáng nay. Ảnh: Diệp Thanh

Bà ngoại Gia Bảo xúc động khi đội tuyển chiến thắng. Ảnh: Diệp Thanh

Bà ngoại Gia Bảo xúc động khi đội tuyển chiến thắng. Ảnh: Diệp Thanh

Xúc động đến run cả tay, ướt nhòe cả 2 mắt, bà luôn miệng nói: “Gia Bảo của bà giỏi quá, bõ công bà rồi!”.

Câu chuyện của 2 bà cháu Gia Bảo khiến nhiều cổ động viên TP. Vinh xúc động. 3 năm nay, vì cuộc sống vất vả, một mình nặng gánh các con nên mẹ Gia Bảo quyết định gửi Bảo cho bà ngoại và vào Nam làm việc.
Bà Nguyễn Thị Bích Sửu - bà ngoại Gia Bảo trải lòng: Bảo là em út trong nhà, cũng là đứa rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiểu chuyện. Tui già cả, đau ốm, quần áo của tôi do Bảo giặt hết. Bà cháu tui chăm nhau 3 năm ni, bây giờ thấy cháu nó mạnh mẽ, có thành tích như vậy, tui vui quá.

Hai bà cháu thủ môn Gia Bảo. Ảnh: Diệp Thanh

Hai bà cháu thủ môn Gia Bảo. Ảnh: Diệp Thanh

Ủng hộ cháu theo đuổi đam mê, dù tuổi cao, bà ngoại Gia Bảo tự bắt xe ôm để đến xem tất cả các trận đấu có cháu của mình, dù mưa hay nắng. Khi mọi người có ý khuyên bà ở nhà những trận sau nếu trời quá nắng nóng, bà lắc đầu: Không được, phải đi chứ, đi đến cùng để ủng hộ cháu chứ!

Đội truyền thông “cây nhà”

Trận tứ kết 1 ở sân thiếu niên không được truyền hình trực tiếp, nên cổ động viên của những đội bóng này đã tự huy động lực lượng truyền thông “cây nhà, lá vườn” ra để livestream trên Facebook, phục vụ khán giả ở nhà.

Các "cameraman" đội nhà tác nghiệp trên sân. Ảnh: Diệp Thanh

Các "cameraman" đội nhà tác nghiệp trên sân. Ảnh: Diệp Thanh

Theo đó, trong trận Thiếu niên Quỳ Châu gặp Thiếu niên Quỳnh Lưu, bên lề sân cỏ có hẳn 3 chân máy do chính các cổ động viên mang đến để quay. Một khán giả đội Thiếu niên Quỳ Châu chia sẻ: “Cổ động viên ở nhà đông lắm, nhưng xa quá nên không xuống Vinh xem được. May mà đội nhà có lực lượng truyền thông mạnh với máy móc xịn đét nên bà con ở Quỳ Châu mới được xem trận này”.

Là thành viên trẻ tuổi nhất của team truyền thông, “cameraman” Trần Huy Vũ (11 tuổi, Quỳnh Lưu) còn trèo lên giàn giáo - vị trí cao nhất để có được góc nhìn bao quát nhất, dù thời tiết rất nắng và nóng.

"Dỗ" cầu thủ

Tổng hợp những câu nói động viên phổ biến của các huấn luyện viên và phụ huynh khi các cầu thủ “khóc nhè”:

“Thôi không can chi mô, đừng khóc, sang năm đá tiếp”.

“Năm ngoái đội này vô địch cơ mà, năm nay ta thua họ thì coi như ta chỉ thua đội vô địch thôi”.

“Học tài thi phận, ta đá là quá hay rồi, chẳng qua đen đủi thôi”.

“Ta không kém, chẳng qua họ quá giỏi thôi”.

“Về nhà ăn cho khỏe, tập luyện cho siêng để sang năm phục thù”.

“Nín đi, về bố mẹ cho đi chơi, con thích ăn chi?”.

“Ta vô được đến đây là được rồi, thời gian tập thì ngắn, sức khỏe thì yếu, đã rứa là thỏa mãn rồi”.

“Đội họ to như quân tịnh, ta vừa nhỏ vừa chấn thương một loạt, thua là đương nhiên”.

“Giờ này năm ngoái ta xách túi về lâu rồi, năm nay còn được ở lại đá là giỏi rồi”.

“Nắng nắng ra ri, ai mà trụ được, bố mẹ chịu, không đá được như bay mô”.

“Ơ mấy đứa ni, mấy đứa tự thua, có phải tại thầy làm bây thua mô mà khóc?”.

“Định ăn vạ thầy à?”.

“Khóc thì đi lên khán đài ngồi, khỏi đá! (cầu thủ khóc khi trận đấu chưa kết thúc).

“Mạnh mẽ lên, ngồi nghĩ xem mình sai ở mô mà rút kinh nghiệm. Cầu thủ giỏi không ngồi khóc huhu rứa mô”.

Một cầu thủ òa khóc sau trận đấu. Ảnh: Nguyễn Đạo

Một cầu thủ òa khóc sau trận đấu. Ảnh: Nguyễn Đạo

Trong khi các bậc phụ huynh có xu hướng dỗ dành thì các huấn luyện viên thường có cách giải quyết cứng rắn, lý trí hơn. Tuy nhiên, sau khi khảo sát một số cầu thủ (khi các cầu thủ đã nín) thì rất nhiều cầu thủ trả lời rằng, bố mẹ càng dỗ, các bạn ấy lại càng muốn khóc to hơn.

Diệp Thanh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/ben-le-san-co-cup-bao-nghe-an-bo-cong-ba-roi-10273893.html