Bến Lức: Nguồn vốn vay ưu đãi tiếp sức cho phụ nữ vươn lên

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Bến Lức, tỉnh Long An phối hợp chặt chẽ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện tạo điều kiện cho nhiều hội viên (HV) được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho gia đình HV, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhờ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà Nguyễn Thị Mực đầu tư nuôi vịt đẻ lấy trứng, mang lại thu nhập ổn định

Nhờ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà Nguyễn Thị Mực đầu tư nuôi vịt đẻ lấy trứng, mang lại thu nhập ổn định

Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ vốn vay do Hội LHPNVN huyện quản lý trên 100 tỉ đồng, với 3.417 lượt HV vay. Từ nguồn vốn vay này, nhiều mô hình phát triển kinh tế được đầu tư, mang lại hiệu quả, tạo thu nhập cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Mực (SN 1967, ấp 3A, xã Phước Lợi) vay 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện để nuôi vịt đẻ trứng. Bà thả nuôi 1.000 con vịt đẻ trên diện tích hơn 1.000m2. Mỗi ngày, bà thu được từ 800-900 trứng vịt, bán cho các cơ sở thu mua trứng trên địa bàn huyện với giá từ 2.100-2.500 đồng/trứng. Sau khi trừ các khoản chi phí, bà còn lãi khoảng 500.000 đồng/ngày. Không dừng lại ở mô hình nuôi vịt đẻ, bà Mực còn đầu tư mua 2 máy may và nhận gia công áo mưa. Mỗi ngày, bà may được 100-150 sản phẩm, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, vươn lên thành hộ khá giàu tại địa phương.

Theo bà Mực, cũng nhờ vốn vay ưu đãi mà gia đình bà mới có điều kiện đầu tư mở rộng chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ý thức được điều đó nên trong mỗi đợt vay vốn, bà đều trả lãi đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn.

Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ấp 3B, xã Phước Lợi) mạnh dạn vay 50 triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô may gia công. Số tiền này, chị Vân mua máy may hỗ trợ và tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nhận may gia công các mặt hàng găng tay, túi xách. Hiện gia đình chị Vân quản lý trên 20 máy may và tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động nhận gia công khoảng 30.000 đôi găng tay/tháng, với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng/người. Riêng chị Vân, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng thu nhập từ 15-20 triệu đồng.

Chị Hồng Vân chia sẻ: “Nhiều chị em trong xã muốn nhận đồ về gia công để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nhưng không có điều kiện mua máy may nên tôi đứng ra vay vốn ưu đãi để mua máy hỗ trợ chị em. Tiền mua máy may sẽ được trừ vào tiền gia công sản phẩm hàng tháng của chị em. Chị em nào may nhiều thì trả nhiều, may ít thì trả dần. Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà đời sống của nhiều chị em được nâng lên, có điều kiện cho con em được tiếp tục đến trường,...”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân có điều kiện mở rộng quy mô may gia công găng tay nhờ vay vốn ưu đãi

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân có điều kiện mở rộng quy mô may gia công găng tay nhờ vay vốn ưu đãi

Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Thúy Phượng cho biết: “Hiện tại, tất cả chương trình tín dụng chính sách đều phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của hầu hết đối tượng thụ hưởng, góp phần cùng cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ hàng trăm lượt gia đình vươn lên thoát nghèo và thoát cận nghèo. Riêng nguồn vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của PGD NHCSXH huyện đã hỗ trợ 1.125 hộ vay với dư nợ trên 46 tỉ đồng. Ngoài ra, thông qua các chương trình tín dụng chính sách còn hỗ trợ vốn vay cho hàng ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác”.

Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Bến Lức đã tiếp thêm động lực để người dân mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH ở địa phương./.

Việt Hằng - Lê Hạnh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ben-luc-nguon-von-vay-uu-dai-tiep-suc-cho-phu-nu-vuon-len-a132011.html