Bến ô tô Tam Cờ
Bạn đã từng sinh ra, lớn lên ở Tuyên Quang trong quãng thời gian 60 - 70 năm về trước? Nếu đúng thế, dứt khoát bạn không thể chỉ một lần duy nhất trong đời đi qua con phố này, vì ở đó có bến ô tô duy nhất của Tuyên Quang đi về tứ xứ. Do đó bạn muốn đi đâu, về đâu đều phải qua con phố nhỏ này! Vậy bến ô tô này nằm ở đâu của miền sơn cước này?
Khi cha tôi gần trăm tuổi, có lần tôi đã hỏi ông về cái bến ô tô ở phố Tam Cờ, ông bảo năm 1924 của thế kỷ trước, đã có xe ô tô từ Hà Nội chạy lên Tuyên Quang rồi, lúc đầu bến ô tô ở chỗ nhà dây thép, tức Bưu điện, sau một thời gian ngắn phải chuyển về đầu tỉnh, tức chỗ cầu Chả của phố Tam Cờ.
Để làm rõ hơn, tôi tìm về tài liệu lưu trữ của gia đình, và thật không ngờ! Tôi tìm thấy bài phóng sự dài 14 kỳ đăng trên Tạp chí Tri Tân “Từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể” của nhà báo Nhật Nham, viết năm 1942, sau chỉ dẫn của cha tôi 18 năm. Trong thiên phóng sự đó, nhà báo viết rằng, bến ô tô từ Hà Nội lên Tuyên Quang là bến Nứa nằm ở đầu cầu Long Biên bên bờ sông Hồng của Hà Nội. Còn về bến xe ô tô của Tuyên Quang, ông Nhật Nham viết “Đến cây số 163,5 là tới tỉnh Tuyên Quang ở ngay trên hữu ngạn sông Lô. Ô tô đỗ ngay đầu tỉnh cho hành khách xuống”. Theo đó, mốc số 163 từ Hà Nội lên Tuyên Quang đúng là cột cây số dựng ở trước cửa nhà ông Đông Hín, chuyên bán lạc rang húng lìu trong thị xã Tuyên Quang, đối diện với mốc này là đường ra bến đò sang soi Tình Húc của Xóm Cò thơm thơm mùi mật mía. Từ nhà ông Đông Hín lên đầu cầu Chả gối đất Tam Cờ là 500 mét, đúng như thiên phóng sự đã viết.
Như vậy cột mốc số 163,5 đặt bến ô tô Tuyên Quang chính là ở đầu cầu Chả thuộc phố Tam Cờ, điều này đúng với hiện trạng!
Suốt từ năm 1924 đến gần những năm 60 của thế kỷ 20, bến ô tô Tuyên Quang vẫn được đặt bên ngòi Chả, nơi đó có một cây gạo và một chiếc cột cờ mà đế là hình ngôi sao to lắm, đây là cột cờ duy nhất của Tuyên Quang bằng gạch được xây từ thời kháng chiến còn sót lại ở thị xã Tuyên Quang qua thời kỳ tiêu thổ kháng chiến đấy! Ở đây lũ trẻ Tam Cờ, Xã Tắc và tụi trẻ khu vườn rau Tân Long, Phú Hưng, Tiên Kiều hay ra đây chơi và chúng thích trèo lên nằm khoèo trên các thềm gạch để chờ đón những chiếc xe ô tô của các hãng xe tư nhân từ Hà Nội, Phú Thọ lên trả khách.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, bến ô tô Tam Cờ là nơi các gia đình có người làm công an như ông Viêm, cô Liên nhà cụ Lang Toán, cụ Diệu lặng lẽ, bí mật lau nước mắt tiễn người thân vào Nam đi hoạt động. Sau năm 1963 cái lò lợn mà dân phố gọi là Ba Toa và cái cột cờ bằng gạch làm từ thời kháng chiến cũng bị phá để xây dựng một bến ô tô mới to hơn, đàng hoàng hơn. Để làm việc này, hiệu phở nhà bà Tám phở ngon nức tiếng bến ô tô; rồi căn nhà lụp xụp của ông Hai Ế suốt ngày liêu xiêu vì say rượu… phải chuyển đi nơi khác, nhường chỗ cho nhà của Ban Quản lý bến ô tô mọc lên. Cổ thụ che bóng cho bến xe khỏi máy bay thù. Hàng quán nhỏ bán nước, bán bánh kẹo, hàng ăn như nhà ông Quý Nước, bà Bệ Hạ... theo đó được mọc lên dưới gốc xà cừ, gốc đa đầu bến bán cho khách qua đường.
Giữa bến xe rộng thênh thang vừa mở rộng đó, tỉnh đã cho xây một ngôi nhà bán vé lợp ngói đỏ, trong nhà bán vé ghi rõ từng cửa bán vé đi khắp nơi như Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Việt Trì và Hà Nội, cửa nào cũng lắm gạch, lắm mũ nón hỏng để xí chỗ xếp hàng mua vé. Trong những lữ khách thường phải qua bến ô tô này, khổ nhất bấy giờ là cánh học sinh, sinh viên từ Tuyên Quang - Hà Giang sang học tại các trường Đại học ở Thái Nguyên, sau mới đến cánh cán bộ công nhân viên và dân nghèo đi các nơi trong tỉnh.
Thời đó bạn nói nhất Y, nhì Dược ư? ở đâu chứ ở tuyến ô tô Tuyên Quang - Thái Nguyên thì xếp hàng! Mà hàng lại dài dằng dặc, mỏi gối, chồn chân, vẫn phải chờ. Đứng mãi không được thì xếp gạch, xếp mũ, nón, ba lô, túi sách... mà chờ đến lượt mình! Ai đi mua vé từ tinh mơ xếp hàng trước, mua được vé thì may, ai không mua được thì lại lỡ, mà lỡ xe là chuyện thường ngày ở cái bến ô tô Tam Cờ này. Họ lỡ xe vì đi Thái Nguyên chỉ có một chiếc do phía Thái Nguyên điều hành và chỉ có một chuyến một ngày, sáng xe từ bến xe Đồng Quang - Thái Nguyên sang, 10 giờ xe về bến, sau đó xe mới từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên. Xe đến, ai có vé thì mặt mày tươi tỉnh, chen chúc chờ người phụ xe mở cửa xe; ai không có vé thì mặt mũi ỉu xìu. Ngày ấy thiếu xe chạy Thái Nguyên kinh khủng, vì học sinh quá đông, không đủ xe ca chạy thì đi xe tải. Cái xe Zin Khơ Rút Sốp màu xanh hết thời chở lính, chở hàng trong chiến tranh đã trở nên ọc ạch, được điều đến giải tỏa chở sinh viên sang Thái Nguyên đi học. Thầy, trò lăn lóc như lợn con trong những chiếc xe ấy. Xe đi qua bến đò Bình Ca, qua đèo Khế hun hút, vào mùa Đông rét run cầm cập, sợ chết khiếp vì đèo, dốc và vực sâu… ấy thế mà vui đáo để.
Trong chiến tranh chống Mỹ, bến ô tô Tam Cờ này từng chứng kiến những cuộc chia ly màu đỏ, mà dẫu là anh hay chị, hay như em gái Xuân Hòa của tôi, bước chân lên chiếc xe ô tô ở bến Tam Cờ ấy ra nước Nga, Ba Lan, Hung Ga Ri, Tiệp Khắc… xa xôi ăn học; hoặc các chiến binh khoác ba lô, vác súng ra chiến trường thì:
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng…”
“Nghĩa là mầu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…”.
Mãi mãi sau này, dù sơ tán xuống chợ Mận, vào miếu Cô Cầu Lườn, lên dốc số 2 hoặc số 5... rồi còn chạy đi đâu chăng nữa, cuối cùng bến ô tô Tam Cờ vẫn ở quanh chỗ cũ như lịch sử đã xếp đặt nên nó từ thời xa lắc xa lơ. Bến ô tô vẫn là nơi chứng kiến các cuộc chia ly màu đỏ, đưa tiễn người thân của mình đến các chân trời mới; là nơi các học sinh đi học tại các trường trung học, đại học để rồi vài năm sau họ trở về mảnh đất Tuyên Quang thân yêu ấy mà sinh sống, cống hiến cho quê hương.