Bến Tre: Châu Thành phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế, phát triển bền vững

Huyện Châu Thành (Bến Tre) sẽ tập trung chính vào xây dựng phát triển sản phẩm, tuyến du lịch theo hướng sinh thái nghỉ dưỡng để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.

Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng

Theo kế hoạch số 5109 của UBND huyện Châu Thành về phát triển du lịch đến năm 2030 do ông Võ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện ký, địa phương phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.

Đồng thời trong giai đoạn hiện tại, huyện Châu Thành cũng sẽ tiếp tục xây dựng phát triển sản phẩm, tuyến du lịch mới theo hướng du lịch trải nghiệm sông nước, du lịch cộng đồng kết hợp phát triển thêm các loại hình và giải trí, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản theo hướng nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch và phát triển các cụm du lịch sinh thái tại Cồn Qui, Cồn Tân Mỹ để hình thành các khu nghỉ dưỡng ven sông, thu hút du khách.

 Dừa là loại cây trồng chủ lực ở Châu Thành, ngoài việc mang lại nguồn lợi to lớn cho kinh tế nó còn đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành du lịch.

Dừa là loại cây trồng chủ lực ở Châu Thành, ngoài việc mang lại nguồn lợi to lớn cho kinh tế nó còn đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành du lịch.

Theo chia sẻ của các chuyên gia du lịch, Châu Thành có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú và đa dạng cả về mặt tự nhiên lẫn nhân văn. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên đã tạo cho Châu Thành ưu thế vượt trội về phát triển các loại hình du lịch sông nước, sinh thái, homestay...

Đặc biệt, ở Châu Thành, dừa là loại cây trồng chủ lực. Ngoài việc mang lại nguồn lợi to lớn cho kinh tế nó còn đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành du lịch. Các vườn dừa mẫu lớn là môi trường thích hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như tham quan vườn dừa, tát mương bắt cá… hấp dẫn cả du khách nội địa lẫn khách quốc tế.

Nền văn hóa của cư dân trong hệ sinh thái dừa còn là sản phẩm chính cho các loại hình du lịch chuyên đề về ẩm thực, sinh thái, văn hóa nông nghiệp, nghề thủ công mĩ nghệ từ dừa... Hơn thế nữa, các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, các mặt hàng thủ công mĩ nghệ, quà lưu niệm từ dừa cũng góp phần đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách trong du lịch mua sắm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cũng như tạo nên dấu ấn, nét đặc sắc riêng của du lịch Châu Thành gắn với hình ảnh “xứ dừa”.

 Một cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Châu Thành.

Một cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Châu Thành.

“Nhìn chung, tuyến du lịch Châu Thành khá đa dạng, đáp ứng các nhu cầu tham quan, giải trí, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức đặc sản địa phương, mua sắm hàng lưu niệm của du khách. Hầu hết các tuyến du lịch kết hợp song song loại hình du lịch sinh thái với du lịch văn hóa thông qua các hoạt động tham quan làng nghề, các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, tham quan miệt vườn sông nước vẫn giữ vai trò quan trọng trên các tuyến du lịch Châu Thành”, bà Võ Thị Kim Cương, Trưởng phòng điều hành Công ty du lịch Cồn Phụng, chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Tùng cho biết thêm bên cạnh phát triển các loại hình chính như du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn; du lịch cộng đồng, văn hóa - lịch sử, tâm linh, lễ hội, vui chơi, giải trí… huyện Châu Thành còn xây dựng mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp theo chương trình OCOP đặc trưng (dừa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng,...).

“Ngoài ra, chúng tôi cũng mời gọi các nhà đầu tư vào cụm du lịch sinh thái tại Cồn Qui, Cồn Tân Mỹ để hình thành các khu nghỉ dưỡng ven sông, thu hút hơn du khách đến với Châu Thành”, ông Tùng nói và cho biết thêm, địa phương cũng đẩy mạnh xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết với các huyện, liên tỉnh. Trong đó, tập trung hình thành các tuyến dọc theo hành lang bờ sông Tiền từ các xã Quới Sơn - Tân Thạch - An Khánh - Phú Túc - Phú Đức - Tiên Long để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và hoạt động trải nghiệm gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Cùng với những bước đột phá trong xây dựng và phát triển sản phẩm, đội ngũ lao động du lịch cũng cần phải được chú trọng. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn thì chất lượng nguồn nhân lực càng cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Theo khẳng định của các chuyên gia, để du lịch phát triển bền vững, ngoài xây dựng và “làm mới” sản phẩm, mang lại giá trị trải nghiệm cho du khách, địa phương cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

 Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh xây dựng sản phẩm hấp dẫn thì yếu tố con người, nhân sự du lịch cũng rất quan trọng.

Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh xây dựng sản phẩm hấp dẫn thì yếu tố con người, nhân sự du lịch cũng rất quan trọng.

Ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) gợi ý địa phương nên mời đơn vị tư vấn để hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.

“Nhân sự du lịch được xem là giá trị cốt lõi để phát triển, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Người dân làm du lịch với sự am tường về chuyên môn và ngoại ngữ sẽ truyền tải được thông điệp đến với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Khi đó, không chỉ ‘kéo gần hơn’ mối quan hệ giữa người dân và du khách mà còn góp phần quảng bá được văn hóa, ẩm thực, lối sống… của người dân”, ông Châu khẳng định.

Để thực hiện được điều này, cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch ở gốc độ quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, nhân lực phục vụ... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Đồng thời phải đa dạng các hình thức đào tạo, ưu tiên đào tạo nghề tại chỗ.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thì nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp và chất lượng và cần thiết nhưng để bền vững, cần sử dụng nguồn nhân lực bản địa. “Vì chỉ có người trong cuộc khai thác du lịch mới truyền tải được hết ‘câu chuyện’ đến với du khách”, ông Châu nói thêm.

Với những du khách từng đến với Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất là cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Song, không dừng lại ở đó, chính văn hóa cộng đồng người Thái hay lối sống, cách ứng xử của người dân nơi đây mới là yếu tố thôi thúc du khách quay trở lại.

Khách du lịch đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đều cảm nhận được cuộc sống giản dị cùng sự chân thành của cư dân bản địa, khiến những du khách phương xa cũng cảm thấy thân thuộc. Mặc dù ở đây đã có không ít khu nghỉ dưỡng chất lượng, do các doanh nghiệp đầu tư và được quản lý bởi đội ngũ có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Song, nhân lực phục vụ chủ yếu vẫn là người dân địa phương. Dù rất ít người được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu; thế nhưng, đa số các khu nghỉ dưỡng, homestay đều có chất lượng phục vụ tương đối tốt và mang lại sự hài lòng cho du khách.

 Bên cạnh phát triển các loại hình chính như du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn… huyện Châu Thành còn xây dựng mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp theo chương trình OCOP đặc trưng (dừa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng,...). Trong ảnh là một vườn chôm chôm mà du khách đang trải nghiệm.

Bên cạnh phát triển các loại hình chính như du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn… huyện Châu Thành còn xây dựng mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp theo chương trình OCOP đặc trưng (dừa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng,...). Trong ảnh là một vườn chôm chôm mà du khách đang trải nghiệm.

Đó là chưa kể, mặc dù đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Song, những người không trực tiếp tham gia làm du lịch cũng sẵn sàng trở thành một “hướng dẫn viên” giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, phong cảnh địa phương đến với du khách.

Để có được những nhân tố quan trọng ấy làm nền tảng, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái - cộng đồng, trước hết xuất phát từ lối sống, lối ứng xử và cách thức sinh hoạt của cư dân bản địa. Đồng thời, bản thân họ cần nhận thức được rằng, bảo vệ du khách cũng chính là sự bảo đảm về nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh đó, hình ảnh thân thiện của các điểm đến du lịch sinh thái - cộng đồng cũng cho thấy nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành du lịch, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân lực cộng đồng. Chính vì chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng song song với tuyên truyền cho cộng đồng về các quy tắc ứng xử văn minh du lịch, đã góp phần tạo dựng được môi trường du lịch ngày càng thân thiện, an toàn và văn minh.

“Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Châu Thành lần thứ 2 năm 2024 diễn ra từ ngày 5 – 11/6 kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn về văn hóa, ẩm thực… Với chủ đề “Châu Thành - Điểm hội tụ du lịch xanh” huyện cũng mong muốn việc phát triển du lịch trên địa bàn sẽ phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường và qua đây cũng mong muốn du khách sẽ có ấn tượng đẹp về vùng đất và con người Châu Thành hiền hòa, mến khách”, ông Võ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói.

Võ Chí Kiên

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ben-tre-chau-thanh-phan-dau-dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-phat-trien-ben-vung-88805.html