Bến Tre đề nghị được hỗ trợ 30 tấn hóa chất chống dịch trên tôm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh vừa ký văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 30 tấn hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để chống dịch trên tôm biển đang diễn ra và có chiều hướng lây lan trên diện rộng trong thời gian tới.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, hiện nay, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang gặp khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường. Đặc biệt, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã và đang diễn biến phức tạp, như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV)…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã gây thiệt hại 696,26 ha diện tích nuôi tôm của người dân; trong đó, tôm sú 8,51 ha, tôm thẻ chân trắng 687,75 ha. Dịch bệnh xảy ra trên tất cả vùng nuôi tôm của tỉnh, tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô, thời tiết các tháng cuối năm lạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của tôm nuôi. Đây là điều kiện phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và các bệnh có liên quan đến đường ruột.
Bên cạnh đó, kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh của các mẫu thu được ngoài môi trường tự nhiên là rất cao, nhất là bệnh đốm trắng và bệnh bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, đây là nguồn lây có khả năng gây bệnh cho tôm nuôi. Ngoài ra, kết quả giám sát chủ động dịch bệnh ao tôm đang nuôi của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng cho thấy có sự xuất hiện của vi rút gây ra các bệnh trên trong môi trường các ao nuôi tôm. Do đó, trong thời gian tới, dịch bệnh tôm có thể bùng phát khó kiểm soát nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương bám sát địa bàn, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý ngay ổ dịch đầu tiên, không để lây lan trên diện rộng. Ngành chức năng tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh cho hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, với 200 học viên tham dự.
Qua đó, tuyên truyền về các quy định trong phòng chống dịch bệnh thủy sản, các chính sách hỗ trợ ao nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh, quy định về việc khai báo dịch bệnh khi có xảy ra, đồng thời tuyên truyền về việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng đó, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo thả giống cho từng vùng nuôi tôm biển, khuyến cáo phòng chống hạn mặn, thông tin kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi chuyển đến người dân kịp thời nhằm chủ động trong sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên tôm xảy ra từ đầu năm đến nay, tỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 60 tấn chlorine (2 đợt) để xử lý môi trường các ao nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân bổ chlorine dự trữ đến huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 67,5 tấn hóa chất chlorine để xử lý môi trường ao nuôi tôm bị bệnh cho 334 hộ/127,91 ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho hay, từ nay cho đến các tháng đầu năm 2024, môi trường nuôi vẫn chưa ổn định, mầm bệnh trong môi trường tự nhiên còn rất nhiều, thời tiết diễn biến bất thường, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ để dịch bệnh trên thủy sản tiếp tục bùng phát.
Dự báo, tỷ lệ thiệt hại trên tôm nước lợ của tỉnh chiếm khoảng 5% diện tích thả nuôi, tương đương khoảng hơn 300 ha. Do đó, địa phương cần khoảng 30 tấn chlorine để hỗ trợ thêm cho người dân xử lý môi trường ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh trong thời gian tới.