Bến Tre khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển
Bến Tre có bờ biển dài khoảng 65km, thuộc địa phận 10 xã của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
“Trước đây, gần như cả vùng biển ven bờ không làm được gì cả, người dân chỉ thả lưới bắt cá, kiếm cơm gạo đắp đổi qua ngày…”, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre có lần chia sẻ với báo chí và cho biết vùng ven biển của tỉnh hiện khá nhộn nhịp, hàng loạt công trường, công trình mọc lên ở đây; việc nuôi trồng cũng bài bản và hiệu quả hơn trước. Đặc biệt người dân rất phấn khởi khi tỉnh có định hướng quy hoạch với quyết tâm đột phá, phát triển về hướng Đông…
Dân miệt biển ngày càng khấm khá…
Cách nay chưa lâu, khi Bến Tre phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhiều người ngạc nhiên khi trong số này, có nhiều “sản vật” của miệt biển, đó là nghêu, là xoài, là cua, là… gạo.
Nhiều lần về miệt biển của Bến Tre, chúng tôi thật sự thích mắt khi chứng kiến không khí lao động của bà con nơi đây. Càng bất ngờ hơn khi ở vùng ven biển huyện Thạnh Phú, hàng chục nông dân nuôi tôm theo mô hình trang trại công nghệ cao đã thành lập Câu lạc bộ tỷ phú, duy trì sinh hoạt định kỳ đều đặn. Hoạt động của câu lạc bộ đã thu hút lãnh đạo tỉnh và đích thân đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã về đây tham dự buổi sinh hoạt để nghe thêm tâm tư, nguyện vọng của bà con…
Ban chỉ đạo phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi tôm biển toàn tỉnh là 31.056 ha, đạt 86,27% so kế hoạch năm 2024. Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 320,2/500 ha, đạt 64,04% kế hoạch năm; sản lượng 160.188 tấn, đạt 111,2% so kế hoạch năm; lũy kế đã phát triển 3.430,2/4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, đạt 85,75% so kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Giá trị sản xuất tôm nước lợ đạt 5.643,95 tỷ đồng (trong đó, giá trị sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 62% ngành tôm nước lợ). Lũy kế giá trị sản xuất ngành tôm tỉnh từ 6/2021 đến tháng 6/2024 đạt 1,45 tỷ USD.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước 122.650 tấn, đạt 61,32 % so kế hoạch năm. Đến nay, toàn tỉnh có 2.766 tàu cá đăng ký, đã lắp đặt 2.007/2.035 tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị, đạt 98,62%. Dịch vụ hậu cần nghề cá khá đồng bộ với 3 cảng cá Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Đáng lưu ý, từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, đồng thời thực hiện Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản đến năm 2030, tỉnh đã xây dựng chương trình truyền thông chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và duy trì cho đến nay.… Bến Tre cũng đã hợp tác với 8 tỉnh ven biển từ Cà Mau, Kiên Giang đến Bình Thuận trong công tác quản lý tàu cá; ký quy chế phối hợp với Cảnh sát biển trong công tác chống khai thác IUU và đạt nhiều kết quả tích cực như trao đổi thông tin trong quản lý cũng như phối hợp xử lý tốt các trường hợp tàu cá vi phạm về IUU trên biển.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, kinh tế thủy hải sản phát triển đồng bộ đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng ven biển. Nhiều xã ven biển phát triển vươn lên hiện rõ vóc dáng đô thị (loại V) đã hoặc sắp được công nhận gồm Châu Hưng (huyện Bình Đại), Tân Phong (huyện Thạnh Phú) và Thới Thuận (huyện Bình Đại).
Vực dậy tiềm năng, phát triển về hướng Đông
Có một đặc thù đó là vùng biển ven bờ của Bến Tre là bãi bồi kéo ra rất xa, tận dụng lợi thế này, trong chương trình phát triển hướng Đông, tỉnh chủ trương phát triển điện gió và xác định đây là hạt nhân phát triển kinh tế biển.
Đến nay vùng ven biển của tỉnh có với gần 20 dự án, tổng công suất lắp đặt 270 MW, trong đó, có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại hòa vào lưới điện quốc gia. Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển điện gió của Bến Tre là rất lớn.
Tỉnh đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất hydro xanh (đặt tại xã biển Bảo Thuận, huyện Ba Tri) với quy mô đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng, công suất sản xuất (giai đoạn 1) 24.000 tấn hydro/năm, 150.000 – 180.000 tấn ammonia/năm và 195.000 tấn khí oxy/năm.
Không phải chỉ tập trung phát triển mảng năng mới - sạch, Bến Tre đang ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong vùng. Hiện đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ giải pháp và các chương trình, dự án đầu tư cần huy động nguồn lực trong Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông.
Theo Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đột phá phát triển của tỉnh Bến Tre bao gồm tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh sẽ khai thác và phát huy những thế mạnh kinh tế biển của 3 huyện biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Để hiện thực hóa định hướng này, tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch với một số nội dung trọng tâm. Cụ thể như phát triển một số ngành kinh tế biển chủ lực; trong đó phát triển ít nhất 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu. Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ba huyện biển chiếm 30% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ben-tre-khai-thac-hieu-qua-tiem-nang-kinh-te-bien-i737564/