Bến Tre khởi động dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2) nhằm bảo tồn lưu giữ, trưng bày những vũ khí, hiện vật, hình ảnh, tư liệu có liên quan đến con tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại…

Ngày 22-4, trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2).

Các đại biểu tham dự lễ đã dâng hương tưởng niệm, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vào cuối tháng 3-1946, từ vùng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam.

 Các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bến Tre dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển

Các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bến Tre dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển

Đây là chuyến vượt biển “mở đường” đầu tiên do nữ thuyền trưởng, nữ tướng Nguyễn Thị Định chỉ huy mở đường ra Bắc. Sau đó cũng chính bà Nguyễn Thị Định chỉ huy con tàu vượt trùng dương từ Phú Yên mang theo 12 tấn vũ khí đầu tiên về đến Bến Tre an toàn để bàn giao cho Khu 8.

Chuyến biển thành công đầu tiên của đoàn công tác Bến Tre là cơ sở cho việc mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển" trong kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển.

Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chính thức đi vào hoạt động. Tuyến đường biển đặc biệt này có nhiều bến cập trên khắp các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa...

Trong đó, bến Thạnh Phong - Thạnh Phú, Bến Tre là một trong những địa điểm quan trọng, vừa là nơi tiếp nhận vũ khí, đạn dược, vừa là trạm trung chuyển, cấp phát trang thiết bị cho lực lượng vũ trang Quân khu 8, Nam Sài Gòn và Đông Nam Bộ.

 Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động dự án

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động dự án

Kể từ ngày thành lập cho đến tháng 4-1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 1.355 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9 với 99.827 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa cùng với hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.

Trong đó, bến Bến Tre từ tháng 6-1963 đến 30-4-1975 đã tiếp nhận và trung chuyển 28 chuyến với 1.386 tấn vũ khí, đạn dược và hàng hóa an toàn đến các chiến trường.

UBND TP Hà Nội hỗ trợ Bến Tre 100 tỉ đồng để triển khai dự án

Để ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến to lớn đó, UBND tỉnh Bến Tre đã triển khai Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong giai đoạn 1, công trình đã được xây dựng tại khu vực Cồn Bửng với các hạng mục: Bia tưởng niệm, hệ thống cổng, tường rào, sân đường nội bộ, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, trạm hạ thế, hệ thống chống sét, hồ nước 20 m² và san lấp mặt bằng.

Tại khu vực vàm Khâu Băng, cũng đã hoàn thành Đài tưởng niệm Di tích tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, góp phần tạo nên không gian tri ân trang nghiêm và thiêng liêng.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị di sản, kết nối lịch sử với hiện tại, Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2) được xây dựng tại xã Thạnh Phong và Thạnh Hải của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, với tổng diện tích 104.245 m2, trong đó có 103.528 m2 tại khu vực Cồn Bửng và 717 m2 ở khu vực vàm Khâu Băng.

Dự án tôn tạo và xây mới các hạng mục gồm: Nhà trưng bày; cải tạo đài tưởng niệm trung tâm; phù điêu; điểm dừng chân; cổng hướng biển; và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu; cổng tường rào…. Xây dựng mới nhà bia; cải tạo đài tưởng niệm; cải tạo cổng tường rào…

Tổng mức đầu tư của dự án là 110 tỉ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND TP Hà Nội 100 tỉ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương.

Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2) sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm bảo tồn lưu giữ, trưng bày những vũ khí, hiện vật, hình ảnh, tư liệu có liên quan đến con tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển.... xây dựng không gian trưng bày, tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến biển Đông huyền thoại, những thành tựu kinh tế, xã hội biển và rừng, kinh tế xã hội của địa phương.

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ben-tre-khoi-dong-du-an-bao-ton-ton-tao-di-tich-duong-ho-chi-minh-tren-bien-post845866.html