Tiếc cho Tiến Luật, Hồng Vân
Hồng Vân và Tiến Luật có một số cảnh quay gây ấn tượng tuy nhiên đặt trong một kịch bản phim có những hạn chế về truyền tải thông điệp, sự nỗ lực của các diễn viên gây tiếc nuối.

*Bài viết tiết lộ nội dung phim
Các tựa phim kinh dị thường chọn cho mình cách nhập đề độc đáo để tạo ấn tượng - tựa một cú hích “bơm adrenaline” cho người xem từ rất sớm. The Substance (Coralie Fargeat) mở ra kỳ lạ với hình ảnh ống tiêm đưa chất lỏng bí ẩn vào lòng đỏ trứng. Dị tượng xuất hiện khi lòng đỏ mới sinh ra, tách khỏi lòng đỏ cũ - hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho câu chuyện về cuộc khủng hoảng hiện sinh trong phim.
Longlegs (Oz Perkins) lại đặt điểm khởi nguồn ở quá khứ. Khung hình thu nhỏ với tỷ lệ “European widescreen” 5:3, gói gọn điểm nhìn của khán giả vào màn hình xưa cũ. Điều gì đó bất ổn đang nhen nhóm giữa khung cảnh ấy. Sự im lặng bóp nghẹt người xem trước khi phản diện thình lình xuất hiện. Đoạn mở đầu khi này là “điềm báo”, là nốt nhạc nhấn nhá, dạo chơi với cảm xúc khán giả trước khi bản bi ca kéo họ xuống vực thẳm của những trăn trở về một thảm kịch dị giáo ngay sau đó.
Còn với Tìm xác: Ma không đầu, đạo diễn Hải Bùi cũng chọn cho mình một mở đầu kỳ lạ. Giữa đêm khuya thanh vắng, một người đàn ông chạy xe giữa rừng chợt thấy hình bóng thấp thoáng của cô gái trẻ. Gã hí hửng lần theo, khi nghe lời mời gọi hấp dẫn từ cô nàng lẳng lơ. Chẳng ngờ, thứ thực sự xuất hiện lại là một cái xác không đầu, khiến gã sợ chết khiếp.
Vì sao thông điệp của "Tìm xác: Ma không đầu" là hạn chế lớn?
Đoạn “intro” này không phải được đưa vào một cách ngẫu nhiên: Sự xuất hiện của nó đóng vai trò bao biện cho bi kịch ở cuối phim. Nạn nhân, theo mô tả của đạo diễn, là kẻ đong đưa, tiếp cận đàn ông để “đào mỏ”. Vậy nên, sau khi biết nam chính chẳng giàu có, cô chửi rủa, sỉ vả nghề nghiệp và gia cảnh đối phương.
Chứng kiến con trai bị lăng mạ ngay trước mắt, người mẹ không minh mẫn trong lúc nóng giận đã sát hại cô gái. Man rợ hơn, bà ta phân xác nạn nhân để phi tang.

Tìm xác: Ma không đầu tiếp nối Ma da và Quỷ nhập tràng trong vũ trụ linh dị ngũ hành.
Chi tiết rùng rợn này làm người xem e sợ khi theo dõi. Thế nhưng, điều thực sự khiến họ nhăn mặt là cách thức mà phim diễn giải nó. Câu hỏi về ý nghĩa “intro” được đặt ra, rằng Tìm xác: Ma không đầu muốn truyền tải thông điệp gì, khi chủ ý giải thích nạn nhân chết do… xấu tính và hỗn láo? Thay vì lên án kẻ thủ ác và những hành vi tàn bạo, vi phạm pháp luật, đạo diễn lại tập trung nhấn mạnh thói xấu của cô gái như một sự đổ lỗi ngược cho nạn nhân. Chính hướng giải quyết này khiến hồi kết phim dần trở nên phản cảm.
Sự lệch lạc càng thể hiện qua các thước phim tri ân tình mẫu tử của nam chính và bà mẹ. Như để “câu nước mắt”, Tìm xác: Ma không đầu chèn thêm bài hát Bông hồng cài áo: “Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền / Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên…”
Ý tưởng đề cao tình thân, mang lại giá trị nhân văn đằng sau những thước phim kinh dị là điều đáng khen, nhưng chỉ khi nó được truyền tải hợp lý và trọn vẹn. Còn thực tế, lối dẫn dắt của Hải Bùi vô tình khiến thông điệp này trở nên sai lệch. Anh mắc lỗi khi cố gắng khơi gợi tình thương của khán giả cho mẹ con nam chính, bằng cách… hoán đổi vị trí thủ phạm - nạn nhân, chĩa ngược mũi dùi công kích về phía cô gái quá cố.
Trên mạng xã hội, chi tiết vướng phản ứng trái chiều. Có ý kiến cho rằng bằng cách khắc họa cô gái hỗn láo và thực dụng, lừa lọc, phim đã đẩy lùi cảm giác đồng cảm của khán giả với nạn nhân, tạo ra cái nhìn sai lệch, bênh vực kẻ thủ ác. Từ thế bị hại, đáng lý phải nhận được thương xót, cô gái xấu số bị đẩy vào vai trò phản diện, là kẻ khiến mẹ con Tiến chia ly.
Còn bà mẹ, người đã ra tay dã man, lại như được xóa án tích, trở thành tấm gương cao cả hành động vì con. Thậm chí, tới tận khi “trả mạng”, thứ hung thủ mang theo không phải sự hối lỗi muộn màng mà lại là bị ép, dồn vào đường cùng.

Phim thu về khoảng 30 tỷ đồng mở màn.
Cách tôn vinh lệch lạc như vậy vô tình bóp méo thông điệp, khiến nó trở nên khó chấp nhận: nạn nhân phải chết là do cô ả xấu tính, còn mẹ con Tiến là những người trừng trị cái sai. Chính sự sai lầm khi giải thích cái kết, lại thiếu khách quan trong việc phân định phải - trái khiến phim sai lệch về ý nghĩa truyền tải, trở nên phản cảm trong mắt người xem.
Tiếc cho Tiến Luật, Hồng Vân
Không đâu xa, một phim Việt phát hành ngay trước Tìm xác là Âm dương lộ (Hoàng Tuấn Cường) cũng có câu chuyện khá tương tự: Người cha trong quá khứ vô tình gây ra án mạng, nhưng vì sợ hãi nên quyết định giấu xác.
Dù kịch bản còn rất nhiều khiếm khuyết, cách Hoàng Tuấn Cường diễn giải tình tiết vẫn giúp thông điệp được truyền tải đúng hướng. Người cha trong Âm dương lộ sống với nỗi ám ảnh tâm lý và sự day dứt khôn nguôi. Nó cắn xé tâm trí ông, khiến nhân vật phải bỏ nghề mà mình đã gắn bó nhiều năm trời. Những “trauma” đó tiếp tục chuyển thành hành động khi ông ngăn cản con trai tiếp nối công việc.
Quan trọng nhất, khi đối mặt với linh hồn nạn nhân năm xưa, nhân vật chủ động đưa ra quyết định “trả mạng” như một dấu chấm cho chuỗi bi kịch, dù cho muộn màng. Khi đó, tình cảm và sự lo lắng của ông với con trai, mong khi mình chết hồn ma sẽ không làm hại cậu, có thể được thông cảm. Thực tế, cái kết của Âm dương lộ vẫn còn nhiều điểm lỏng lẻo, hay các chi tiết chưa đủ sức nặng.
Song ít nhất, nó vẫn giúp khép lại phim một cách nhẹ nhàng, không gây phản cảm vì lối truyền tải thông điệp lệch lạc.

Tiến Luật vào vai chính trong phim.
Trở lại với đứa con tinh thần của Hải Bùi, phim gây tiếc nuối khi lãng phí dàn cast. Giữa một kịch bản lỏng lẻo, Hồng Vân cùng Tiến Luật - trong vai hai mẹ con - khó tìm được đất tỏa sáng thực sự. Cả hai thực tế vẫn tạo thiện cảm với những tương tác đời thường, khi sinh hoạt, khi cùng trò chuyện về cuộc sống. Những màn đối thoại chân chất giữa một cậu con trai chưa chịu kết hôn vì lo cho mẹ già lẩn thẩn là khoảnh khắc ấm áp, dễ chịu hiếm hoi trong Tìm xác: Ma không đầu.
Chẳng phải những màn quăng miếng hài lố, chỉ đơn thuần những câu thoại vô tư theo kiểu “Mẹ lấy chồng đi rồi con lấy vợ”, đã có thể làm người xem bất giác mỉm cười hạnh phúc.
Ở trường cảnh cuối, Hồng Vân ít nhiều tạo ấn tượng với cảnh nặng tâm lý, khi nhân vật của cô đấu tranh giữa hai lựa chọn: tính mạng bản thân và con trai. Còn với Tiến Luật, khoảnh khắc anh ghi điểm nhất là khi nhìn mẹ với ánh mắt trĩu tâm sự, vừa thương, vừa tủi.
Song ngoài những tia sáng lẻ loi đó, cả hai vẫn lạc lối trong một câu chuyện thiếu chiều sâu. Tiến (Tiến Luật) luôn trong trạng thái bị động, nửa già thời lượng trôi qua vẫn không biết đối mặt với ai hay cần phải làm gì. Anh tận mắt thấy và trải nghiệm bị hồn ma quấy phá, dọa nhiều phen thừa sống thiếu chết, nhưng khi nghe mẹ kể lại chuyện vẫn tặc lưỡi phủ nhận: “Tất cả chỉ là mơ thôi”.
Giá như biên kịch để cho nhân vật chủ động hơn trong hành trình tìm ra sự thật, đối diện với mâu thuẫn khó giải giữa tôn trọng pháp luật và làm tròn chữ hiếu. Khi đó, câu chuyện Tìm xác: Ma không đầu đã có thể ghi dấu mạnh mẽ hơn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tiec-cho-tien-luat-hong-van-post1547443.html