Bến Tre kỳ vọng có 4.000 héc ta tôm công nghệ cao vào năm 2025
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm nước lợ công nghệ cao phát triển mạnh ở Bến Tre với mục tiêu phát triển 4.000 héc ta tôm nuôi theo hình thức này vào năm 2025.
Theo TTXVN, giá tôm nguyên liệu giảm sâu gây ra khó khăn lớn cho nhiều người nuôi tôm. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao lại mang về hiệu quả kinh tế cao, thu hút sự quan tâm của nông dân các vùng ven biển.
Ông Lê Văn Sấm, một nông dân ở xã Thạnh Hải, cho biết, sau 5 năm chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao, ông đã có diện tích nuôi tôm khoảng 45 héc ta, thu hoạch khoảng 500-700 tấn/năm, mang về lợi nhuận hàng tỉ đồng.
Ông chia sẻ để duy trì lợi nhuận, người nuôi tôm cần tập trung vào việc giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, nuôi tôm công nghệ cao sẽ giúp bà con kiểm soát tốt hơn các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khẳng định mô hình nuôi tôm nước lợ công nghệ cao đang đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre, cho biết mô hình trên đạt hiệu quả cao nhờ có mật độ nuôi lớn, hệ thống xử lý nước tiên tiến và quy trình nuôi khép kín. Nhờ đó, năng suất tôm đạt mức 60-70 tấn/héc ta, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 36.000 héc ta diện tích nuôi tôm nước lợ. Trong đó, 12.500 héc ta được nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, tập trung chủ yếu tại các huyện ven biển.
Hiện nay, địa phương đang tích cực triển khai các dự án đầu tư hạ tầng nuôi tôm công nghệ cao, tập trung tại các huyện Ba Tri và Bình Đại.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, sau 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển 4.000 héc ta nuôi tôm biển công nghệ cao, tỉnh đã phát triển được 3.509 héc ta, đạt 87,7%. Sản lượng tôm từ mô hình này bình quân đạt 50.000 tấn/năm, chiếm một nửa lượng tôm nước lợ của tỉnh.