Bến Tre người dân bức xúc việc rào chắn bến sông tại chợ Mỏ Cày
Thời gian gần đây, người dân và tiểu thương mua bán tại chợ Mỏ Cày (thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) phản ánh việc chính quyền địa phương rào chắn bến sông Cái Quao khiến cho việc giao thương, sinh hoạt hằng ngày gặp khó khăn. Trong khi đó, bến sông này là nơi ghe, xuồng neo đậu để lên chợ mua bán hơn 50 năm qua thì nay bị rào chắn làm người dân rất bức xúc.
Rào chắn bến sông gây khó khăn cho việc giao thương
Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Bến Tre nhận được đơn phản ánh của gần 30 hộ dân sinh sống, buôn bán tại chợ Mỏ Cày về việc ngày 22/8 chính quyền địa phương cho rào chắn bằng lưới thép B40 tại bến sông Cái Quao gây cản trở, khó khăn cho việc giao thương. Đoạn rào chắn hơn 10m là nơi nhiều ghe, xuồng neo đậu để lên xuống hàng hóa và buôn bán tại chợ Mỏ Cày.
Theo người dân địa phương, tại chợ Mỏ Cày ngoài việc đi lại, mua bán hàng hóa bằng đường bộ thì người dân còn giao thương bằng đường sông từ rất lâu đời.
Trong đó, từ đường Bùi Quang Chiêu chạy vào đến bờ sông Cái Quao có một bến chợ đã hình thành, được người dân neo đậu ghe, xuồng hơn 50 năm qua. Bến sông này vào buổi sáng sớm rất nhiều ghe đến cập bến vận chuyển hàng thủy sản lên chợ bán và được người dân sử dụng để lấy nước rửa các sạp cá, thủy sản trên chợ.
Khi chính quyền địa phương thực hiện việc rào chắn đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động mua bán của người dân. Bà Ngô Thị Sếu, chuyên kinh doanh mặt hàng nghêu, sò, ốc tại chợ Mỏ Cày bức xúc: “Khi chính quyền rào bến sông làm việc kinh doanh buôn bán của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, mỗi ngày tôi phải ra bến sông cách đó hơn chục mét lấy khoảng 20 thùng nước để rửa ốc vì sử dụng nước máy ốc sẽ chết. Sau đó, chính quyền có làm cổng rào rồi khóa lại, khi tiểu thương có nhu cầu sẽ đến Ban Quản lý chợ để xin mở cửa lấy nước nên rất bất tiện và tốn thời gian. Tôi chỉ mong sao chính quyền mở hàng rào để người dân buôn bán, sinh hoạt tự do như trước đây”.
Khi rào chắn bến sông, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là những người chuyên vận chuyển thủy sản bằng ghe từ dưới sông Cái Quao lên chợ. Gia đình ông Võ Văn Trường có hai thế hệ sinh sống bằng nghề buôn bán thủy sản tại chợ Mỏ Cày là một trong hàng chục hộ dân gặp rất nhiều khó khăn khi bến sông này bị rào đường lên xuống.
Ông Trường cho biết: “Từ thời cha tôi tới nay đều sử dụng bến sông này để buôn bán mặt hàng thủy sản rất thuận tiện. Hiện tại, hầu hết đều sử dụng đường bộ để vận chuyển hải sản còn sống từ chợ đầu mối trên Thành phố Hồ Chí Minh về chợ Mỏ Cày bán lại nhưng cũng phải sử dụng bến sông này để chuyển xuống ghe trữ trong khoan.
Sau đó, thủy sản sẽ chuyển đến các chợ khác trong vùng để bán lẻ. Khi bến sông này bị chính quyền địa phương rào lại khiến việc vận chuyển thủy sản lên bờ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi bến mới cách đó 50m thì ghe không thể cập bến được vì bãi rất cạn”.
Giải thích việc rào bến sông Cái quao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Mỏ Cày Nguyễn Ngọc An cho biết: “Trước đây người dân sử dụng bến sông Cái Quao để lên xuống hàng hóa ở chợ Mỏ Cày nhưng sau đó bến thủy nội địa này không được cấp phép lại.
Chính quyền địa phương thực hiện văn bản của Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Mỏ Cày Nam về việc thu hồi bến thủy nội địa này nên rào chắn lại không cho ghe vận chuyển hàng thủy sản lên chợ.
Nguyên nhân, do bến thủy này thường xuyên gây tiếng ồn, môi trường chưa bảo đảm. Việc rào chắn có thông báo trên đài truyền thanh, vận động, giải thích cho người dân hiểu và có làm ổ khóa để tiểu thương, hộ dân có nhu cầu sử dụng nước có thể liên hệ Ban quản lý chợ Mỏ Cày để mở rào lấy nước…”.
Theo ông An, sau khi rào bến thủy này thì tại chợ Mỏ Cày vẫn còn một bến thủy được nhà nước quy hoạch cách bến cũ khoảng 50m do Ban Quản lý chợ Mỏ Cày là đơn vị được cấp phép và quản lý.
Bến thủy nội địa do nhà nước quy hoạch 20 năm chưa có ghe chở thủy sản nào cập bến
Năm 2004, chính quyền địa phương sắp xếp lại khu vực mua bán trong chợ Mỏ Cày và dời chợ thủy sản, bến lên xuống hàng hóa đến vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 50m. Tuy nhiên, nghịch lý là hơn 20 năm qua chưa ghe chở thủy sản nào cập bến này để lên hàng vì gặp rất nhiều bất lợi trong việc neo đậu, lên hàng.
Bà Quản Thị Lùn, chuyên mua bán thủy, hải sản tại chợ Mỏ Cày cho biết: “Bến mới này nhiều năm không có ghe lên hàng được là do phía bờ cạn rất khó khăn trong việc lên hàng và khi nước ròng ghe dễ bị nghiêng, có thể chìm. Nếu ghe chuyển cá lên bờ được lại tiếp tục gặp khó khi đường trong chợ rất hẹp, xe tải không vào được nên từ trước đến nay không thấy ghe thủy sản nào lên hàng tại bến này”.
Gia đình ông Phạm Văn Hùng, sinh sống tại bến sông Cái Quao hơn 20 năm cho biết: “Bến cũ hình thành hơn 50 năm rất thuận tiện cho việc lên xuống hàng thủy sản do xe tải vào đến tận nơi để chuyển hàng. Ngoài ra, khu vực này nước sâu, chảy mạnh nên trữ cá trong khoan ghe không bị chết như ở những vị trí khác. Vì vậy, bến mới được cấp phép nhưng nhiều năm liền không có ghe cập bến”.
Phó Ban Quản lý chợ Mỏ Cày Phạm Thị Linh Phương cho rằng: “Từ trước đến nay bến thủy gần chợ cá được cấp phép hoạt động do Ban Quản lý chợ Mỏ Cày quản lý, vận hành chỉ có một số ghe chở dụng cụ đánh bắt cá, rau lên xuống hàng hóa. Đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị chủ ghe, tàu chở hàng thủy sản đăng ký cập bến. Nguyên nhân do bến này bị cạn nên ghe, tàu khó lên hàng”.
Để đầu tư, nạo vét bến này phải tốn kinh phí trên 100 triệu đồng. Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Mỏ Cày Nam đã chỉ đạo Ban Quản lý chợ Mỏ Cày thuê đơn vị tư vấn để tiến hành đầu tư nạo vét bến thủy tại vị trí chợ cá để tạo điều kiện thuận lợi cho ghe, tàu của bà con cập bến. Tuy nhiên, người dân và tiểu thương tại chợ Mỏ Cày rất bức xúc vì bến cũ đã bị rào chắn, còn bến mới không biết bao giờ mới được nạo vét.
Ngoài ra, nếu cập bến chuyển mặt hàng thủy sản lên bờ cũng rất bất lợi vì đường nhỏ, hẹp xe tải không vào tận nơi để nhận hàng nên tốn thêm chi phí để thuê xe nhỏ chuyển ra ngoài.
Người dân tại đây mong muốn chính quyền địa phương dỡ bỏ rào chắn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.