Truy bắt đối tượng làm giả giấy khám sức khỏe

Sau một thời gian điều tra, truy vết đối tượng làm giả giấy khám sức khỏe của các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, Công an quận Hà Đông vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Toán (31 tuổi, thường trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), làm rõ những thủ đoạn tinh vi của tội phạm làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, qua công tác tuần tra kiểm soát của Công an quận Hà Đông phát hiện người vận chuyển đang đi giao 57 giấy khám sức khỏe giả có đóng dấu sẵn của Bệnh viện Giao thông vận tải nhưng chưa có nội dung. Tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đã vào cuộc điều tra, truy bắt đối tượng làm giả giấy tờ là Nguyễn Hữu Toán (31 tuổi, thường trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Để trốn tránh pháp luật, đối tượng này sử dụng tên giả, thường xuyên thay đổi chỗ ở và chỉ giao dịch qua mạng xã hội, ship giấy tờ đến địa chỉ người nhận. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đã bắt giữ được đối tượng Nguyễn Hữu Toán với đầy đủ các tang vật gồm máy in, các con dấu giả của các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố.

Đối tượng Nguyễn Hữu Toán khai nhận: "Em làm giả giấy tờ được ba năm, giấy tờ giả của cơ quan đơn vị là Bệnh viện Giao thông vận tải và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Em thấy nhu cầu khách hàng cao thì em học, em làm theo. Từ lúc bị bắt trên cơ quan pháp luật thì em được các anh chỉ bảo là vi phạm pháp luật và mức pháp luật như thế nào thì em đã hiểu rõ."

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, đối tượng khá dễ dàng làm giả, mua bán giấy tờ giả, con dấu giả của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên không gian mạng để thu lời bất chính từ các hoạt động vi phạm pháp luật. Việc làm giấy tờ giả rất khó nhận biết bằng mắt thường mà chỉ có thể phát hiện khi tiến hành giám định hình sự.

Trung tá Đỗ Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Công an quận Hà Đông cho biết: "Một số cơ quan tổ chức như các bệnh viện cũng đã nâng cấp lên đối với các giấy tờ do cơ quan tổ chức cấp, ví dụ như có tem màu, người ta dán tem màu trên các giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp ra. Thứ hai là có các đường vân để lại ở trên các giấy tờ do cơ quan tổ chức cấp nhằm hạn chế tối đa việc đối tượng lợi dụng để dễ dàng làm giả các tài liệu này."

Qua vụ việc trên, người dân cần hết sức cảnh giác với các bài đăng, bình luận trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện mua bán, làm giả các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ, nếu bị phát hiện vừa “tiền mất tật mang”, vừa bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Sỹ Văn

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/truy-bat-doi-tuong-lam-gia-giay-kham-suc-khoe-277752.htm