Bến Tre: Phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa

Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa vùng trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000ha. Riêng tại thủ phủ dừa Bến Tre, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha; xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, phát triển 5.000ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha.

Để hiện thực hóa đề án, tỉnh Bến Tre đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa, sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Vườn dừa gần 1ha của anh Nguyễn Văn Chiến, tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, đang vào đợt thu hoạch. Hai năm qua, nhờ canh tác bằng phương pháp hữu cơ, vườn dừa cho năng suất ổn định từ 1.500 - 1.800 trái mỗi tháng. Tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương, anh Chiến được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định và luôn cao hơn giá thị trường.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến khích nông dân sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua trực tiếp nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông dân, tạo hướng đi bền vững cho cây dừa. Mô hình liên kết trồng dừa hữu cơ còn giúp đẩy mạnh phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành dừa, góp phần giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có những giải pháp thiết thực nhân rộng vùng nguyên liệu dừa sạch.

Trong thực tế, diện tích canh tác dừa của người nông dân tỉnh Bến Tre còn nhỏ lẻ và manh mún, tính chuyên canh chưa cao. Từ đó, năng suất dừa chưa như kỳ vọng của người trồng, doanh nghiệp chế biến dừa cũng gặp khó khi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Để giải pháp khắc phục thực trạng trên, đề án khuyến khích các hộ gia đình chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây công nghiệp chủ lực, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển sản xuất dừa hữu cơ để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Để đạt được các mục tiêu theo Đề án dừa là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre đến năm 2030, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án; vận động, khuyến khích người trồng dừa và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Hoàng Nhân - Đỗ Khoan - Khưu Hảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ben-tre-phat-trien-chuoi-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-dua-232231.htm