Bến Tre quan tâm hút vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã đề xuất với UBND tỉnh Bến Tre về việc đầu tư các dự án sản xuất cấu kiện, thiết bị điện gió, sản xuất hydro xanh trên địa bàn.
Chiều ngày 8/6, Công ty TNHH Pacific Group, đại diện cho Tập đoàn ICM COM - doanh nghiệp đầu tư về hạ tầng và năng lượng tái tạo của Nhật Bản, đã đề xuất đầu tư dự án Cụm công nghiệp An Hòa Tây tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyên sản xuất cấu kiện, thiết bị điện gió thế hệ mới, có công suất nhỏ phục vụ cho nhu cầu hộ gia đình và nhà máy sản xuất.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, cụm công nghiệp này sẽ có diện tích 50ha sẽ được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống xử lý nước thải tiên tiến của Nhật Bản nhằm tối ưu hóa việc khai thác năng lượng tái tạo cũng như sử dụng nguồn nước…
Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Bến Thành là đơn vị thu xếp khoản tín dụng xấp xỉ 480 tỷ đồng cho dự án này.
Trước đó, ngày 7/6, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam cũng đề xuất với UBND tỉnh về việc nghiên cứu phương án đầu tư Tổ hợp dự án Hydro xanh Bến Tre tại huyện Thạnh Phú.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, Tổ hợp dự án Hydro xanh Bến Tre có diện tích khoảng 106,45ha, gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1 là Nhà máy Hydro xanh Bến Tre, Hợp phần 2 là Tổ hợp cấp nguồn cho dự án và Hợp phần 3 là Bến cảng xuất amoniac và hydro xanh.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất Hydro xanh có quy mô nguồn 400MW, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thông qua lưới điện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Công suất dự kiến sản xuất hydro đạt 45.000 tấn/năm, sản lượng hydro dành cho thương mại khoảng 13.500 tấn/năm. Vị trí đặt nhà máy tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Về giải pháp công nghệ, Nhà máy sản xuất Hydro xanh do Trung Nam đề xuất thông qua công nghệ điện phân nước (bằng công nghệ kiềm - AKL) với nguồn điện từ dự án điện gió và mặt trời tại khu vực dự án và các dự án năng lượng tái tạo khác (thông qua cơ chế DPPA). Giải pháp này cho kết cấu nhỏ gọn với hiệu suất tốt và độ tin cậy hoạt động cao. Nhà máy bao gồm 2 dây chuyền sản xuất, mỗi dây chuyền gồm 40 máy điện phân, mỗi máy điện phân công suất 1.000 Nm3/h (lưu lượng khí nén).
Cũng liên quan đến sản xuất Hydro xanh, tháng 1/2022, Tập đoàn The Green Solutions (TGS) đã đề xuất dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất coi Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre này là dự án thí điểm trên địa bàn tỉnh và cố gắng triển khai sớm việc cấp chứng nhận đầu tư, chậm nhất là tháng 7/2023.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất dự kiến 22,7ha với tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng. Dự án sử dụng công nghệ sản xuất hydro của Đức với nguồn năng lượng đầu vào là năng lượng gió. Giai đoạn 1, dự kiến công suất của nhà máy sản xuất mỗi năm 24.000 tấn hydro, 150.000 tấn ammonia và 195.000 tấn khí oxy. Ở giai đoạn 2, công suất thiết kế của nhà máy dự kiến sản xuất mỗi năm 60.000 tấn hydro, 375.000 tấn ammonia và 490.000 tấn khí oxy.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn
Tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển các nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối và năng lượng khí… Trong đó năng lượng tái tạo (chủ yếu là năng lượng gió) được quan tâm phát triển mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, là định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đã xác định định hướng phát triển Bến Tre về hướng đông với trọng tâm là phát triển kinh tế biển. Trong đó, nguồn năng lượng sạch từ điện gió sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Bến Tre.
Đến cuối năm 2020, Bến Tre có 26 dự án điện gió, 07 dự án điện mặt trời được nhà đầu tư đề xuất phát triển với tổng công suất xấp xỉ 6.500 MW. Đến nay, 19 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với công suất 1.007,7 MW. UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 nhà đầu tư để thực hiện 19 dự án này, trong đó 7/19 nhà máy đã triển khai thi công lắp đặt hoàn thành với công suất khoảng 360 MW, 5 nhà máy hòa điện quốc gia với công suất 93,05MW.
Tính đến nay, có 10 nhà máy và phần nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh thuộc các dự án chuyển tiếp đang trong quá trình đàm phán giá mua điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để phát lên lưới điện quốc gia với tổng công suất lắp đặt 343,45 MW.
Tuy nhiên, hiện nay Bến Tre mới phát triển các dự án điện gió trên bờ và gần bờ. Toàn tỉnh Bến Tre có 65km đường bờ biển ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú với tài nguyên gió rất tốt - tốc độ gió trung bình 6,8 m/s. Theo tính toán của các chuyên gia, với lợi thế lớn như vậy, tỉnh hoàn toàn có khả năng phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cách bờ 30 hải lý.
Ngoài điện gió, toàn tỉnh Bến Tre đã có 1.543 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 71,148 MW được lắp đặt nối lưới. Ngoài ra có 01 nhà máy điện sinh khối đồng phát điện hơi Co-GEN với công suất hơi 01 triệu tấn/năm và hệ thống tuabin phát điện với công suất 19,4 MW cung cấp sản lượng 150 triệu kW/năm.
Năm 2022, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 2.138.478.235 kWh, trong đó sản lượng điện gió, mặt trời đóng góp 14,6%. Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Bến Tre đạt 1.500MW năng lượng tái tạo, sẽ tạo ra sản lượng điện bình quân trên 4,5 tỷ kWh/năm với doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng/năm.