Bến Tre: Triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực và cây dừa

Nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực là cây dừa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, diện tích trồng cây dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre khoảng 79.000ha, lớn nhất cả nước; sản lượng thu hoạch trung bình trong mỗi tháng khoảng 60 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 300 triệu USD/năm và hơn 70% người dân có kinh tế liên quan đến cây dừa. Do đó, việc cây dừa được xem là cây công nghiệp chủ lực Quốc gia sẽ mang lại vị thế, tầm vóc, ngành dừa Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng được nâng lên tầm cao mới.

Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, Trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Sau thời gian xây dựng chuỗi giá trị dừa, đến nay toàn tỉnh 32 tổ hợp tác và 28 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa.

Với nguồn nguyên liệu luôn dồi dào và chất lượng tương đối cao, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre phát triển nhanh và toàn diện, với công nghệ chế biến hiện đại. Các doanh nghiệp chế biến dừa tại Bến Tre đều đầu tư xây dựng chuỗi sản phẩm từ dừa khép kín, đảm bảo sử dụng gần như trọn vẹn thành phần bên trong mỗi quả dừa.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có bước tiến bộ vượt bậc, đưa ngành dừa nhanh chóng hội nhập với ngành chế biến dừa thế giới. Công nghệ chế biến đổi mới giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm tinh, có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, cơm dừa trắng được nghiên cứu sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp thực phẩm, dùng để sản xuất dầu dừa, cơm sừa sấy, sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon.

Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực là cây dừa đến năm 2030 của tỉnh Bến Tre là cần thiết vì địa phương có thế mạnh về đất đai, khí hậu… cho loại cây trồng này. Cây dừa Bến Tre nói riêng và cây dừa của Việt Nam nói chung đang dần khẳng định vị thế và thế mạnh trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bến Tre duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000 ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Phát triển 5.000 ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000 ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000 ha. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2.000 triệu USD.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hoàng Nhân - Đỗ Khoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ben-tre-trien-khai-de-an-phat-trien-cay-cong-nghiep-chu-luc-va-cay-dua-231797.htm