Bến Tre: Truyền thông trang bị kỹ năng, năng lực tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em

Chương trình truyền thông do Hội LHPN tỉnh Bến Tre và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp thực hiện hướng đến mục tiêu tăng cường nhận thức, trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ và năng lực tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em.

 Truyền thông nâng trang bị kỹ năng, năng lực tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em

Truyền thông nâng trang bị kỹ năng, năng lực tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em

Hội LHPN tỉnh Bến Tre vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông chuyên đề tại 4 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và Giồng Trôm, với sự tham gia của 800 phụ nữ, học sinh.

Với các chuyên đề cụ thể như phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình và mua bán người, chuỗi hoạt động truyền thông không đơn thuần chỉ là cung cấp thông tin mà còn là không gian mở để chia sẻ, đối thoại và lan tỏa tinh thần chủ động bảo vệ bản thân.

Tại các buổi truyền thông, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bến Tre đã mang đến những nội dung phong phú từ thực tiễn xử lý các vụ án, kết hợp phân tích tình huống cụ thể, giúp người nghe dễ hình dung, dễ áp dụng. Thông qua cách trình bày gần gũi, sinh động không chỉ truyền đạt kiến thức pháp luật mà còn khơi dậy ý thức cảnh giác, kỹ năng phòng ngừa từ trong chính đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, mỗi buổi truyền thông đều dành thời lượng thích đáng cho phần trao đổi, hỏi đáp.

Bà Lê Thị Hoàng Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre cho biết, hoạt động truyền thông mong muốn giúp mỗi phụ nữ, mỗi em nhỏ đều hiểu rõ rằng mình có quyền được sống an toàn, có quyền lên tiếng và được lắng nghe. Hội LHPN sẽ luôn là điểm tựa, là cánh tay nối dài của hệ thống chính trị để bảo vệ, hỗ trợ các trường hợp dễ tổn thương.

Theo Hội LHPN tỉnh Bến Tre, trong bối cảnh tình trạng xâm hại trẻ em, mua bán người, bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng trẻ hóa, việc trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống là cách can thiệp từ sớm, từ gốc, hiệu quả và bền vững hơn nhiều so với xử lý hậu quả. Việc nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ, quyền được an toàn cho phụ nữ và trẻ em cần tiếp tục được duy trì như một phần tất yếu trong công tác Hội.

Những buổi truyền thông như trên không chỉ là nơi chuyển tải kiến thức mà còn là cơ hội để mỗi người được lắng nghe, được chia sẻ những băn khoan, khơi dậy niềm tin và hành động vì một xã hội an toàn, nhân văn.

Mộc Miên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ben-tre-truyen-thong-trang-bi-ky-nang-nang-luc-tu-bao-ve-cho-phu-nu-va-tre-em-20250521125545866.htm