Bến Tre: Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản
Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre ước đạt khoảng 2.500ha, năng suất bình quân 40-60 tấn/ha, sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 42.000 tấn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, địa phương chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương.
Tỉnh Bến Tre chú trọng chuyển từ nuôi thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực..
Đặc biệt, tỉnh củng cố và phát triển các liên kết, tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có. Địa phương tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển thêm ít nhất 7 hợp tác xã, xây dựng được vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung đạt diện tích 450ha (có 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao); trong đó 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương.
Cụ thể, về nuôi trồng, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu.
Tỉnh phát triển các hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn.
Đặc biệt, Bến Tre chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như tôm chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể; đồng thời nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi biển mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến năm 2025, diện tích nuôi biển toàn tỉnh đạt 41.500ha, sản lượng 114.000 tấn/năm; đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 42.000ha, sản lượng 150.000 tấn.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp, thủy sản. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn rất ít, quy mô nhỏ nên việc xây dựng liên kết, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh hiện có 13 nhà máy chế biến thủy sản nhưng chủ yếu sản xuất mặt hàng nghêu, cá tra đông lạnh, tỷ lệ sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao thấp, năng suất hoạt động của các nhà máy chế biến đạt khoảng 50% công suất thiết kế và hầu như không nhà máy nào chế biến sản phẩm tôm biển; trong khi đó, sản lượng tôm biển hàng năm của tỉnh trên 50.000 tấn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết hiện tỉnh đang tích cực triển khai phát triển các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm chân trắng, nghêu, sò, tôm càng xanh và cá tra, nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đến cuối năm 2022 đạt 47.590ha, tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản nuôi thủy sản 322.100 tấn, tăng 10,77% so với cùng kỳ.
Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 2.500ha, năng suất bình quân 40-60 tấn/ha, sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 42.000 tấn.
Ngoài ra, diện tích nuôi cá tra ước tính cuối năm đạt 840ha, sản lượng cá tra ước đạt 203.000 tấn.
Trong năm 2022, giá cá tra nguyên liệu luôn dao động mức khá cao và ổn định, với giá từ 29.000-32.000 đồng/kg; giá thành sản xuất cá tra dao động từ 24.000-25.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hình thức nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa cũng phát triển khá mạnh, với diện tích 1.800ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.550 tấn. Những năm gần đây, giá tôm nguyên liệu trong luôn ổn định ớ mức khá cao nên người nuôi đa số đều có lãi khá./.