Bến Tre: Xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 sớm, sâu và kéo dài
Dự báo, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ nửa cuối tháng 11/2023, ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.
Tỉnh Bến Tre đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024, được ngành chuyên môn nhận định là xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023.
Trong tháng 12/2023, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn, đợt 1 từ ngày 7 đến ngày 12 và đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 26. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.
Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập toàn khu vực tỉnh từ tháng 1 đến tháng 5/2024, nhất là các hệ thống sông Hàm Luông, Cửa Đại, kênh Giao Hòa-An Hóa vào sông Ba Lai, do tác động thêm của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, sự vận hành các đập trên sông Mekong theo hướng tích nước.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, người dân cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn và triển khai biện pháp chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết ngay từ cuối tháng 5, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cấp, địa phương khẩn trương, quyết liệt trong chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn năm 2023-2024; chủ động biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tỉnh tuyên truyền, phát động việc trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023 bằng nhiều hình thức như: tận dụng dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ, trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực. Đồng thời, áp dụng biện pháp khác đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó theo phạm vi quản lý của ngành, địa phương phù hợp với tình hình dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn. Ngành chức năng rà soát khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước để có phương án vận hành linh hoạt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre khuyến cáo, các địa phương bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống công trình phòng, chống hạn mặn chưa hoàn thành. Tỉnh có những phương án đắp đập tạm để trữ nước trong điều kiện hệ thống công trình chưa hoàn chỉnh, cần có những giải pháp trước mắt.
Bên cạnh giải pháp công trình, những giải pháp phi công trình cũng rất cần thiết vì đã chứng minh hiệu quả trong thời gian qua. Điển hình như việc đào ao trữ nước, trữ nước cục bộ trong dân thông qua hệ thống lót bạt trữ nước tạm thời, được xem là giải pháp hết sức quan trọng. Với khả năng trữ nước và điều tiết nước hợp lý, có thể giảm nhẹ rất nhiều yếu tố ảnh hưởng của hạn mặn trong mùa khô - ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.
Cùng đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn giải pháp phòng, chống hạn mặn đã áp dụng hiệu quả trên cây trồng trong thời gian qua. Ví dụ như: tránh việc để ra hoa và nuôi trái trong điều kiện hạn mặn cao điểm; giữ ẩm cho vườn cây ăn trái; có biện pháp cắt tỉa cành đối với một số cây trồng trước thời gian hạn mặn xảy ra để giảm tác động của hạn mặn…/.