Bên trong bước tiến mới trong không chiến của Ukraine

Một đoạn video đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội cho thấy có thể là lần đầu tiên một chiến đấu cơ F-16AM của Không quân Ukraine được nhìn thấy khi bay tầm thấp thực hiện nhiệm vụ tấn công với bom lượn GBU-39 đường kính nhỏ của Mỹ.

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy chiến đấu cơ F-16 của Không quân Ukraine được trang bị bom lượn GBU-39 đường kính nhỏ của Mỹ. Ảnh: X

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy chiến đấu cơ F-16 của Không quân Ukraine được trang bị bom lượn GBU-39 đường kính nhỏ của Mỹ. Ảnh: X

Đoạn video này bắt đầu được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội vào hôm 9/2, cung cấp cái nhìn sơ bộ về năng lực đang phát triển của lực lượng Không quân Ukraine trong bối cảnh căng thẳng với Liên bang Nga vẫn tiếp diễn.

Chiếc F-16AM, một biến thể của dòng F-16 Fighting Falcon nổi tiếng, được nhìn thấy bay thấp trên địa hình – một chiến thuật thường được sử dụng để tránh bị radar phát hiện và tăng độ chính xác khi triển khai bom lượn GBU-39 đường kính nhỏ (SDB).

Bom GBU-39 đường kính nhỏ: Vũ khí tăng cường sức mạnh cho Ukraine

Loại bom này, được biết đến với độ chính xác cao và khả năng giảm thiểu thiệt hại ngoài ý muốn, đại diện cho một sự nâng cấp đáng kể trong kho vũ khí của Ukraine do Mỹ cung cấp. Mỗi quả GBU-39 được thiết kế để đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhờ hệ thống dẫn dường quán tính hỗ trợ GPS.

GBU-39 đường kính nhỏ có thiết kế nhỏ gọn, nặng chỉ 285 pound (khoảng 129 kg), cho phép máy bay mang nhiều vũ khí hơn trong mỗi lần xuất kích. Kích thước nhỏ của nó không làm giảm sức mạnh, mà thực tế còn tăng cường khả năng chiến đấu.

Độ chính xác của quả bom này đến từ hệ thống dẫn đường tiên tiến, kết hợp giữa GPS và hệ thống quán tính (INS), đảm bảo khả năng đánh trúng mục tiêu ngay cả khi tín hiệu GPS bị gây nhiễu. Sai số chệch mục tiêu của GBU-39 chỉ khoảng 5 - 8 mét, nghĩa là nó có thể đánh trúng vị trí rất gần với mục tiêu được chỉ định.

Phần lõi của GBU-39 đường kính nhỏ chứa một đầu đạn nổ nặng 37 pound (khoảng 17 kg) làm từ chất nổ AFX-757, một loại vật liệu có tính chống kích nổ cao, giúp giảm nguy cơ phát nổ ngoài ý muốn. Đầu đạn nhỏ hơn này tập trung năng lượng nổ vào mục tiêu cụ thể, nhằm giảm thiệt hại ngoài dự kiến – một yếu tố quan trọng trong các cuộc xung đột hiện đại, nơi cơ sở hạ tầng dân sự thường nằm gần mục tiêu quân sự.

Một đặc điểm độc đáo của GBU-39 là khả năng lượn. Sau khi được thả, cánh bom sẽ mở ra, biến nó thành một loại bom lượn có thể đánh trúng mục tiêu cách xa tới 60 dặm (khoảng 97 km) nếu được thả từ độ cao lớn. Điều này cho phép máy bay thực hiện tấn công từ khoảng cách an toàn, tránh xa hệ thống phòng không của đối phương.

Loại vũ khí này đã được tích hợp vào kho vũ khí của nhiều loại máy bay khác nhau, bao gồm F-15E Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon và thậm chí cả F-22 Raptor, cho thấy độ tin cậy của nó đối với quân đội phương Tây.

F-16AM của Ukraine đạt bước tiến mới trong không chiến

Việc tích hợp bom GBU-39 đường kính nhỏ vào F-16AM đánh dấu một bước tiến quan trọng trong khả năng tác chiến của Ukraine. Vốn được thiết kế cho máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), loại bom này đã được điều chỉnh để có thể sử dụng trên chiến đấu cơ F-16, giúp tăng cường khả năng tấn công chính xác của lực lượng Không quân Ukraine.

Hình ảnh trong đoạn video cho thấy chiếc F-16 của Ukraine được trang bị đầy đủ bom GBU-39 đường kính nhỏ, cho phép mang nhiều vũ khí hơn so với các loại bom truyền thống, giúp Không quân Ukraine có thể tấn công nhiều mục tiêu trong một lần xuất kích. Việc F-16 bay tầm thấp như trong video có thể là một phần của nhiệm vụ chiến đấu nhằm chứng minh kỹ năng của phi công cũng như khả năng sẵn sàng tác chiến của máy bay.

Xem video chiến đấu cơ F-16 của Không quân Ukraine được trang bị bom lượn GBU-39 đường kính nhỏ của Mỹ triển khai nhiệm vụ tác chiến. Nguồn: Mã nguồn mở/X

Quá trình viện trợ F-16 cho Ukraine

Vào tháng 8/2023, Mỹ đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược hỗ trợ quân sự. Đan Mạch và Hà Lan nhanh chóng hưởng ứng, tuyên bố sẽ dẫn đầu liên minh quốc tế để huấn luyện phi công Ukraine và cung cấp các máy bay này.

Đan Mạch ban đầu dự kiến cung cấp sáu chiếc F-16 vào cuối năm 2023, nhưng kế hoạch này bị hoãn khoảng sáu tháng, với lô đầu tiên đến Ukraine vào mùa xuân năm 2024. Đan Mạch cam kết tặng tổng cộng 19 chiếc F-16, với các đợt bàn giao kéo dài đến năm 2025.

Hà Lan là một trong những nước viện trợ lớn nhất, hứa cung cấp tới 42 chiếc F-16. Khi còn làm Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte (hiện giữ chức Tổng Thư ký NATO) đã thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào tháng 12/2023 rằng việc chuẩn bị bàn giao lô đầu tiên gồm 18 chiếc đang được tiến hành.

Na Uy, một thành viên NATO khác, ban đầu cam kết tặng hai chiếc F-16 nhưng sau đó tăng lên sáu chiếc, với các đợt bàn giao bắt đầu vào năm 2024.

Bỉ cam kết cung cấp tổng cộng 30 chiếc F-16, nhưng lịch trình bàn giao phụ thuộc vào việc thay thế phi đội của nước này bằng tiêm kích F-35, dẫn đến nhiều chậm trễ. Đến cuối năm 2024, Bỉ vẫn chưa giao bất kỳ chiếc F-16 nào cho Ukraine do các thách thức hậu cần.

Đến cuối tháng 7/2024, Ukraine chính thức nhận lô F-16 đầu tiên. Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis xác nhận điều này, mô tả đó là “một điều tưởng chừng như không thể, nhưng đã trở thành hiện thực.” Số lượng chính xác của lô máy bay này không được tiết lộ, nhưng Ukraine được cho là sẽ nhận hơn một phi đội F-16 vào cuối năm 2024.

Trong suốt năm 2024, quá trình huấn luyện phi công và đội ngũ kỹ thuật bảo trì là một trở ngại lớn. Các phi công Ukraine được đào tạo tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Đan Mạch và Romania. Quá trình huấn luyện kéo dài đến chín tháng do sự phức tạp khi chuyển từ máy bay thời Liên Xô sang công nghệ phương Tây.

F-16 không phải là “chìa khóa vạn năng” cho Ukraine

Dù F-16 mang lại khả năng phòng không và tấn công tiên tiến hơn cho Ukraine, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những chiếc tiêm kích này không phải là giải pháp toàn diện cho thách thức quân sự của Kiev. Ukraine vẫn phải đối mặt với lực lượng không quân hùng hậu của Liên bang Nga cùng các hệ thống phòng không tiên tiến.

Việc triển khai F-16 cùng với vũ khí tiên tiến như bom GBU-39 đường kính nhỏ chắc chắn sẽ giúp Ukraine nâng cao khả năng phòng thủ và tấn công. Tuy nhiên, nó không có nghĩa Ukraine sẽ giành lợi thế trong cuộc xung đột vẫn còn kéo dài này nhờ vào bước tiến mới về không chiến của Không quân nước này.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ben-trong-buoc-tien-moi-trong-khong-chien-cua-ukraine-20250212221319787.htm