Bên trong cửa hàng khổng lồ chuyên bán hành lý thất lạc

Cửa hàng khổng lồ chuyên bán hành lý thất lạc rộng hơn 3.700 mét vuông nằm ở Scottsboro, Alabama (Mỹ).

Unclaimed Baggage Center (UBC) ở tiểu bang Alabama (Mỹ) là trung tâm lưu giữ hành lý vô thừa nhận đến từ khắp các sân bay của Mỹ.

Nơi đây cũng chính là cửa hàng khổng lồ chuyên bán hành lý thất lạc rộng 3.700 mét vuông, ra đời năm 1970 từ ý tưởng của một nhân viên bán bảo hiểm tên Doyle Owens. Ông Owens nảy ra suy nghĩ này sau khi bắt gặp những kiện hành lý bị bỏ lại một trạm xe buýt ở Washington DC.

Ông Owens bắt đầu thu thập những túi xách và bán các đồ vật bên trong vài ngày mỗi tuần. Theo thời gian, cửa tiệm nhỏ ban đầu dần trở thành trung tâm lớn như ngày nay. Có những thời điểm cửa hàng tập trung hàng triệu mặt hàng khác nhau.

Brenda Cantrell, đại sứ thương hiệu của UBC, ước tính rằng các cửa hàng luôn có khoảng hơn một triệu mặt hàng.

Mỗi ngày, cửa hàng chuyên bán đồ thất lạc được bổ sung 7.000 mặt hàng mới.

Hành lý bị thất lạc cần một khoảng thời gian rất dài để tìm đường về với chủ. Còn nếu sau thời gian 90 ngày không tìm được người nhận, túi xách của bạn sẽ thuộc về hãng hàng không một cách hợp pháp, còn bạn sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường. Đó là khi UBC, trong một thỏa thuận độc quyền với các hãng hàng không khác nhau, mua lại hành lý của bạn.

Bên cạnh những kiện hành lý mua lại từ hãng bay, cửa hàng UBC còn thu thập cả đồ dùng bị bỏ quên tại các ga xe lửa hoặc dịch vụ cho thuê xe ô tô.

Nhiều người đặt câu hỏi làm sao UBC có thể kiếm lợi nhuận khi những kiện hành lý thường quay về với chủ. Tuy nhiên, sự thật là hãng hàng không không phải chịu trách nhiệm với hành lý xách tay. Vì thế nếu bạn bỏ quên thì cơ hội mua lại được ở Alabama là khá cao.

Được mệnh danh “thủ phủ của những chiếc vali thất lạc”, UBC thu hút hàng triệu người ghé thăm mỗi năm, đồng thời là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất nước Mỹ. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những món đồ hàng hiệu với giá chỉ vài chục USD.

Đồ đạc sau khi tới UBC sẽ được phân loại theo 3 mục đích: kinh doanh, từ thiện và tái chế.

Quần áo đem bán sẽ được giặt là cẩn thận và treo ngay ngắn tại trung tâm.

Đồ trang sức, đồng hồ được làm sáng và thẩm định chất lượng.

Đồ điện tử được gửi tới Bộ Quốc Phòng để cài đặt lại từ đầu. Vì thế, hành khách mất hành lý không cần phải lo lắng hình ảnh cá nhân sẽ rơi vào tay kẻ xấu.

Mọi mặt hàng được bán với giá giảm 20 đến 50% so với giá trị thực.

Thực tế, một người đàn ông đã mua một tác phẩm nghệ thuật ở UBC với giá 60 USD và sau đó phát hiện ra giá trị thực của nó là 25.000 USD.

Thảo Nguyên (theo BI)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/ben-trong-cua-hang-khong-lo-chuyen-ban-hanh-ly-that-lac-776926.html