Bền vững từ chiến lược đồng tài trợ cạnh tranh

Chặng đường 5 năm đến với đồng bào 30 xã khó khăn thuộc 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên của Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh cho Nhóm cùng sở thích (CIG) đã kết tinh thành giá trị bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa.'

Nông sản tiêu biểu của các nhóm cùng sở thích được giới thiệu tại những sự kiện quan trọng huyện Bắc Quang.

Nông sản tiêu biểu của các nhóm cùng sở thích được giới thiệu tại những sự kiện quan trọng huyện Bắc Quang.

Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh cho các CIG là một trong những chiến lược, công cụ quan trọng thuộc hợp phần: Đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo được thực hiện bởi Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh. Mục đích của chương trình là tài trợ cho 300 CIG xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) có tính đổi mới, nhằm đa dạng hóa các hệ thống sản xuất sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro hoặc tạo giá trị gia tăng liên kết với các chuỗi hàng hóa. Với tổng ngân sách phân bổ cho các hoạt động CIG trong cả giai đoạn 2015 – 2020 là 1,5 triệu USD (tương đương 33 tỷ đồng); chương trình tài trợ tối đa 50% tổng kinh phí của kế hoạch/phương án SXKD, còn lại là đối ứng của CIG. CIG đủ điều kiện xin tài trợ cạnh tranh phải đạt điều kiện: Có ít nhất 10 hộ thành viên trong nhóm, 50% là hộ nghèo, cận nghèo và 30% đại diện hộ thành viên là nữ.

Sau 5 năm, Chương trình CPRP tỉnh đã thành lập 686 CIG với 7.897 thành viên, chủ yếu liên quan đến sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Trâu, bò, lợn, dê, các loại cây công nghiệp (Thảo quả, chè, cây lấy gỗ) hay cây nông nghiệp (lúa, ngô, lạc, đậu tương). Trong đó, tài trợ cho 473 CIG với số tiền giải ngân gần 48,2 tỷ đồng/5.189 thành viên… Một trong những mục tiêu chương trình hướng đến là nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn. Do đó, các thành viên tham gia thành lập CIG đa phần là hộ nghèo, cận nghèo (chiếm trên 70%) và trên 30% là nữ thành viên. Tham gia CIG, họ được ưu tiên phân bổ vốn, được chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Nhìn chung, các CIG được tài trợ đều xây dựng quy chế, phương án SXKD, sổ ghi chép và thực hiện việc mua chung – sản xuất chung – bán chung (vật tư, giống, sản phẩm…). Nhiều CIG đã có sản phẩm được giới thiệu, quảng bá và có liên kết tiêu thụ ổn định; doanh thu bán sản phẩm bằng 1 – 3 lần tổng số vốn đầu tư. Một số sản phẩm qua sơ chế và chế biến được tiêu thụ rộng rãi hơn ở thị trường ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu, như: Chè, Thảo quả, mật ong Bạc hà... Từ kết quả này, tỷ lệ hộ thoát nghèo trong các CIG được giải ngân vốn đạt trên 30%.

Chỉ từ năm 2015 – 2019, đã có 67 CIG ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với doanh nghiệp/hợp tác xã (HTX)/hộ kinh doanh, chế biến. Tiêu biểu có thể kể đến: Sản phẩm mật ong của các CIG xã Nấm Dẩn ký hợp đồng tiêu thụ với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần); sản phẩm Kim tiền thảo của các CIG xã Yên Thành (Quang Bình) ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang... Ngoài ra, 277 CIG bán sản phẩm cho các hộ thu mua và 141 CIG có thị trường bán lẻ tại các chợ địa phương. Đặc biệt, 2 CIG tại xã Linh Hồ (Vị Xuyên) đã phát triển lên HTX, gồm: CIG chăn nuôi lợn Bản Lủa thành HTX Sản xuất và Dịch vụ nông, lâm nghiệp Vinh Quang và CIG trồng nấm thôn Tát Hạ lên HTX SXKD dịch vụ nông, lâm nghiệp Hướng Dương... Bên cạnh đó, 21/51 CIG có sản phẩm sơ chế, chế biến đã có bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, như: CIG trồng su su thôn Bản Bó, xã Đức Xuân (Bắc Quang); CIG sản xuất, chế biến chè II, thôn Khuổi Luông, xã Cao Bồ (Vị Xuyên), CIG chế biến các sản phẩm từ đậu tương, thôn Cán Chỉ Dền, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì)...

Cùng với kết quả trên, đã có hơn 15.000 người được đào tạo về các hoạt động liên quan đến CIG cũng như tập huấn sản xuất và kỹ thuật chế biến các mặt hàng chủ chốt… Thông qua hoạt động hỗ trợ của chương trình trong tập huấn, đào tạo và phổ biến các mô hình cho CIG đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, các hộ trong CIG biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ đất trong sản xuất nông nghiệp; biết trồng các loại cây để chống xói mòn và tăng độ phì nhiêu cho đất. Nhiều hộ còn áp dụng mô hình chăn nuôi hiệu quả để hạn chế rủi ro, như: Thiết kế chuồng nuôi ấm vào mùa Đông, mát vào mùa Hè kết hợp với nuôi nhốt trâu, bò; không thả dê đi ăn sớm hoặc trong ngày mưa, giữ ấm và cho ăn no trong ngày giá rét. Đặc biệt, nhiều mô hình còn được hỗ trợ phát triển thành sinh kế và hàng hóa, phù hợp với trình độ, năng lực, nhu cầu kinh tế của người dân vùng dự án. Tiêu biểu nhất là mô hình trồng Thảo quả dưới tán rừng. Điều này không chỉ chứng minh hiệu quả bảo vệ rừng mà còn làm dày thảm thực vật và phong phú tài nguyên rừng…

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Quá trình triển khai hoạt động đồng tài trợ cạnh tranh cho các CIG, giúp thành viên phát huy tinh thần trách nhiệm, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, thay đổi tư duy sản xuất, khắc phục việc trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Không những vậy, cách triển khai, quản lý CIG thực sự là môi trường tốt trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và bình đẳng giới. Từ đó, giúp các CIG và cộng đồng từng bước ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn trong vùng dự án…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202009/ben-vung-tu-chien-luoc-dong-tai-tro-canh-tranh-764768/