Bên yếu thế trong giao dịch hợp đồng
Giao dịch hợp đồng chẳng mấy ai còn lạ, nó gắn với quyền lợi và nghĩa vụ sát sườn của đôi bên để cùng đạt cái cùng được. Tuy đây là mục đích của cuộc chơi cùng thắng, không ít thực tế lại... so le.
Cái cùng được là giá trị cốt lõi của hợp đồng, là giao ước (covenants) tương liên được các bên thỏa thuận trong một quan hệ kinh tế. Đó có thể là hoạt động thương mại, đầu tư, giao dịch tài sản, dịch vụ, vay mượn... Về nguyên tắc (và được luật lệ bảo vệ) các điều khoản và điều kiện (terms and conditions) của bất cứ hợp đồng nào cũng đều được xác lập trên cơ sở bình đẳng (equality), thể hiện qua các quyền và nghĩa vụ (rights and duties) cụ thể được hai bên hiểu rõ và thừa nhận. Thế nhưng, trên rất nhiều hợp đồng, yêu cầu được xem là bản chất của văn tự này còn chừng mực.
Lợi thế ở bên soạn hợp đồng
Dễ thấy nhất là ở khâu soạn hợp đồng. Soạn hợp đồng do không phải ai cũng làm được, hoặc muốn cho khỏe, nên thông thường bên nào soạn bên đó có lợi thế. Lợi thế chẳng những về câu chữ mà có thể còn ở các điều khoản và điều kiện, lẩn khuất đâu đó chút chủ động thiết đặt, chút ẩn ý bảo vệ bên mình...
Điều thường thấy là ở khía cạnh diễn đạt chủ quan, với các lời lẽ như “có quyền”, “được quyền”, “phải” hay “phải chịu”, theo một mạch văn pha chút bất công. Về thời gian và thời hiệu, nếu đối tác bị buộc “phải” theo ngày hay lịch cứng, thì bên ta lại nhẹ nhàng... “có thể” nhiều tháng.
Tuy thế, với các hợp đồng được soạn “tươi”, được hai bên ngồi lại chia sẻ và có sự quan tâm cẩn trọng (deliberate), thì khả năng đáp ứng yêu cầu bình đẳng sẽ cao. Việc cùng ngồi lại để “dọn” lên một hợp đồng “tươi” vừa khẩu vị như vậy được ví như việc ta chuẩn bị một bữa tiệc “à la carte” (gọi món). Giao dịch ở đây do có sự thỏa thuận thông qua đàm phán nên quan hệ giữa các bên căn bản là dân chủ, tự nguyện và thỏa đáng. Điều này lại thường thiếu vắng ở các giao dịch hợp đồng soạn sẵn, in sẵn.
Hợp đồng soạn sẵn chủ yếu được các công ty kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng sử dụng để bán hàng. Sau đây để tiện diễn giải (và cũng là đặc điểm bất biến) ta gọi doanh nghiệp là “A” và khách hàng là “B”. Điều đáng nói ngay là B hầu như không thể hay không được có ý kiến gì khi giao dịch với loại hợp đồng “combo” này. Nếu họ thấy có điều khoản nào bất công hay vô lý thì cũng chịu.
Chẳng hạn, có quy định “nếu B chậm nộp tiền thì (lập tức) sẽ bị phạt hay bị mất các khoản đã đóng trước đó”. Theo ý vừa dẫn, nghĩa vụ của B đã được tính theo ngày, và nếu đây là trường hợp mua nhà thì khoản cọc bị mất có thể là tiền tỉ. Trong khi nghĩa vụ giao hàng của A lại có thể chậm vài ba tháng hay lâu hơn. Có hợp đồng còn cột chặt nghĩa vụ B phải giao tài sản vô thời hạn để A kinh doanh (bất động sản nghỉ dưỡng là ví dụ), nhưng trách nhiệm của A thì chừng mực, chỉ là hứa hẹn một số năm đầu. Vậy nếu rủi ro A có vấn đề, bị “liệt giường” thua lỗ triền miên, thì B phải chịu chết sao?
Nhiều hợp đồng “combo” năm bảy chục trang, được đóng thành tập như sách, có nội dung chuyên ngành chuyên nghiệp, câu chữ dài dòng, từ ngữ phức tạp. B lại thường phải đọc tại chỗ do bị động về thời gian và yêu cầu quá gấp. Đọc trong điều kiện như vậy thì giới bình dân, và ngay cả người có chữ, cũng khó mà nắm hết ý, hiểu cho kỹ, nên thường họ chỉ lướt qua, thậm chí không đọc, chỉ biết... ký.
Các sản phẩm đại trà này dù có được soạn “theo mẫu” luật định thì thực tế B cũng luôn bị đặt vào thế yếu. Do họ là đại chúng yếm thế, nên có thể nói việc bảo vệ khách hàng (người tiêu dùng) dễ chỉ là trên văn bản. Thế nhưng cuộc chơi lại có vẻ bình đẳng, có yếu tố tự nguyện, vì anh có quyền chơi hay không. Có điều, anh không được có ý kiến, chỉ có thể chọn “yes” hoặc “no”. Chút vấn đề là đây...
Vấn đề có chăng là hơi hướm “nhà cái nhà con”, có chăng thoáng chút “ban phát”. Thật vậy, ai đã từng tham gia các hợp đồng mua căn hộ, vay vốn, bảo hiểm, đầu tư chứng khoán,... thì chẳng còn lạ gì. Điều dễ thấy là, ở thế dẫn dắt, A hoàn toàn nắm rõ luật chơi. Nhưng B thì có thể không. Và dù thế nào thì B vẫn được xem đã chơi với luật (legally binding). Thế nên, nếu B (khách hàng) có được tôn là “vua” hay “thượng đế”, thì cần biết là mình có thể bị đặt vào thế... “đối tượng bị quản lý”.
Hiểu biết hạn chế, dễ dãi ký kết
Bên cạnh các thực tế nêu trên, một số vấn đề và biểu hiện khác liên quan đến hợp đồng cũng cần được nhận diện. Đó là sự dễ dãi ký tá, nhờ đứng tên, thiếu thông tin, mập mờ ngữ nghĩa, hạn chế hiểu biết chuyên ngành, nhất là với các giao dịch đặc thù, có nghiệp vụ phức tạp, cần kỹ năng chuyên nghiệp. Bởi không ít trường hợp bị cháy túi, lụi tàn sự nghiệp, chỉ sau một thời gian ngắn (rất ngắn) tham gia các hợp đồng phái sinh, đầu cơ tài chính, vay mượn lướt sóng, chơi “margin”...
Bởi từng có công ty do non tay và nóng vội đã mắc bẫy giao kết với một cổ đông gọi là “chiến lược”, để nhận về một khoản không lớn với cái vòng kim cô “reserved matters” và phải chịu bó tay trước nhiều vấn đề trọng yếu.
Tuy là “tác phẩm” của đôi bên, có thể nói hợp đồng chủ yếu được viết cho “người thứ ba” đọc. Đây lại là ý đôi bên thực sự cần, là chỗ đôi bên trông cậy khi có sự cố không mong đợi xảy ra: tranh chấp.
Yêu cầu đồng thuận kết ước (mutual assent) còn đòi hỏi sự rõ ràng, chặt chẽ và công minh trong biên soạn. Ngay như trường hợp phải theo “hợp đồng mẫu” cũng cần người tư vấn có nghề hoặc luật sư am hiểu biên soạn. Không nên vay mượn, sao chép máy móc. Cách bê tươi một đoạn luật vào hợp đồng tưởng chặt lại mập mờ. Chẳng hạn, nếu luật cho phép doanh nghiệp có thể tự định một tỷ lệ (hay số tuyệt đối) cao hơn hay thấp hơn các ngưỡng giới hạn thì hợp đồng phải thể hiện cụ thể.
Thế nhưng, cách diễn đạt “nói như luật nói” lại chưa phải đã hết. Mặt khác, yêu cầu liên thông nội ý các điều khoản trong một hợp đồng còn là lỗi phổ biến. Rất thường gặp là việc dẫn chiếu một quy định đến một điều khoản trước hoặc sau đó có thể không tìm thấy, hoặc nó nằm ở một “địa chỉ” khác. Tại sao? Là do có sự sửa đổi, thêm bớt nội dung, làm xáo trộn số thứ tự các điều khoản vốn có, nhưng lại thiếu kiểm tra rà soát.
Đến đây thiết nghĩ cũng nên đặt chút vấn đề với các “sếp”, rằng “sếp có cần đọc hợp đồng hay chỉ tin và ký”; hoặc “khi đặt bút ký sếp đã tin hay cần đọc lại”(?). Sếp ở đây có thể là “sếp” có lon hay dân trơn.
Bất cân xứng thông tin
Trở lại loại hợp đồng in sẵn. Nguyên nhân lép vế của B còn là do họ bị đặt vào thế bất cân xứng thông tin (asymmetric). Đơn cử, luật lệ xây dựng nói “chủ đầu tư phải đăng ký Hợp đồng mẫu, nếu không, hợp đồng đã ký với khách mua sẽ không được công nhận để cấp Giấy chứng nhận”(*). Đây là thủ tục thay công chứng để làm sổ hồng cho người mua nhà. Nhưng thử hỏi, khách mua làm sao biết hợp đồng có được đăng ký hay không? Và nếu không (vì bất cứ lý do gì) thì công chúng tiêu dùng có được bảo vệ?
Có chăng luật lệ đã vô tình thả lỏng nghĩa vụ của chủ đầu tư. Bởi, nếu chẳng may có sự lợi dụng mờ ám thì ai chịu trách nhiệm? Vậy, nên chăng (i) Trên hợp đồng cần ghi rõ việc đã đăng ký nội dung; và (ii) Hợp đồng cần được một “nhà luật” biên soạn. Cả hai cần có thông tin cụ thể người thụ lý và luật sư.
Trong điều kiện yếm thế và hiểu biết luật còn thấp, cách vừa nêu là để bảo chứng niềm tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là biện pháp cưỡng chế việc thực thi pháp luật. Mặt khác, có chăng “hợp đồng mẫu” đã được tôn như luật, được máy móc rập khuôn khi biên soạn, đến gần như tước đi yếu tố tự nguyện của các bên tham gia. Vậy nên không khó thấy thực tế cứ hễ tranh chấp là “kiện ra tòa”(1). Trong khi cơ chế giải quyết trọng tài thân thiện và kín đáo không mấy ai còn lạ nhưng lại ít ai “dám” chọn.
(*) Chuyên viên kinh tế - tài chính - chứng khoán, Thành viên HĐ Chỉ số TTCK VN - Trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế VN.
(1) Quy định tại Điều lệ mẫu các Thông tư 16/2011/BXD và 03/2014/BXD của Bộ Xây dựng
Huy Nam(*)
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292770/ben-yeu-the-trong-giao-dich-hop-dong-.html