Nông dân vùng núi tỉnh Kon Tum học làm giàu nhờ livestream bán hàng qua mạng

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương về nông nghiệp và dược liệu, UBND huyện Tu Mơ Rông đã mời nhiều Tiktoker tập huấn cho người dân phương thức bán hàng trên các nền tảng xã hội.

Hướng dẫn người dân tiếp cận sàn thương mại điện tử

Ngày 17/12, thông tin với Người Đưa Tin, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, chương trình tập huấn sàn thương mại điện tử và thi livestream trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook) là một trong 6 hoạt động do huyện tổ chức,

UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức chương trình tập huấn sàn thương mại điện tử và thi livestream trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook).

UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức chương trình tập huấn sàn thương mại điện tử và thi livestream trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook).

Ban tổ chức đã mời 14 KOL (nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội) có lượt theo dõi cao, để tập huấn cách bán hàng trên các sàn điện tử cho 204 người dân, hợp tác xã của 11 xã trên địa bàn.

Việc tập huấn nhằm mục đích để người dân nắm rõ quy trình bán hàng trên các sàn điện tử, cách livestream để thu hút người tiêu dùng, qua đó bán được hàng cho các đối tác.

Nhiều người dân lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, được tập huấn kỹ năng livestream bán hàng.

Nhiều người dân lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, được tập huấn kỹ năng livestream bán hàng.

Theo ông Mạnh, đây là lần đầu tiên nhiều hộ dân tại đỉnh núi Ngọc Linh được tiếp xúc với công nghệ, nhưng sau khi được tập huấn kỹ năng livestream bán hàng, nhiều người dân đã rất phấn khởi khi số lượng hàng bán ra tăng mạnh.

Dù không rơi vào khung giờ vàng, nhưng qua các buổi livestream bán sản phẩm OCOP Tu Mơ Rông, đã có khoảng 300.000 lượt tiếp cận và 50.000 lượt xem.

Số đơn hàng được chốt bán đạt 730 đơn, với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Đồng bào Xơ Đăng đã tự thành lập đội livestream, tự chốt đơn và bán sản phẩm, tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn về kết quả từ Hội thi livestream bán hàng trên nền tảng TikTok do huyện tổ chức, bước đầu cho thấy hội thi đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Hội thi mở ra cơ hội lớn cho đồng bào Xơ Đăng trong việc tìm kiếm đối tác bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời giúp nâng cao thu nhập từ các đặc sản địa phương do chính họ trồng trọt.

Livestream bán hàng trên nền tảng tiktok đcủa người dân huyện Tu Mơ Rông đạt hiệu quả cao.

Livestream bán hàng trên nền tảng tiktok đcủa người dân huyện Tu Mơ Rông đạt hiệu quả cao.

Theo ông Mạnh, cuộc thi livestream bán các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương cũng mang lại nhiều cái nhất, chưa từng xuất hiện ở Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum.

Đó là lần đầu tiên, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, có kinh nghiệm bán hàng trên sản điện tử trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP Tu Mơ Rông.

Đặc biệt, những người này còn "bắt tay" với các đơn vị quản lý các nhãn hàng để quảng bá, giới thiệu nhằm tăng uy tín, tăng độ nhận diện cho sản phẩm OCOP, ngay sau hoạt động đánh giá sản phẩm OCOP Tu Mơ Rông năm 2024.

Các Tiktoker hướng dẫn người dân bán hàng.

Các Tiktoker hướng dẫn người dân bán hàng.

"Thông qua cuộc thi livestream, thương hiệu sản phẩm OCOP Tu Mơ Rông đã được quảng bá rộng rãi cho lượng khách hàng mới. Đồng bào Xơ Đăng đã làm quen, có kinh nghiệm bán hàng qua kênh thương mại điện tử, mở ra cơ hội trong việc tiếp cận nhóm khách hàng mới, giảm tối đa chi phí các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ.

Với thành quả như vậy, huyện tin tưởng sắp tới, cùng nền tảng, kiến thức sẵn có, đồng bào Xơ Đăng sẽ có thêm nguồn thu ổn định trong việc bán sản phẩm đặc trưng của quê hương, từ đó nâng cao đời sống, hướng đến thoát nghèo, vươn lên làm giàu", ông Mạnh nói.

Nâng cao chất lượng bán hàng

Huyện Tu Mơ Rông là huyện vùng núi cao của tỉnh Kon Tum, có tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp, dược liệu.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ, địa phương đã phát triển được 30 sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị hàng hóa.

Hiện nay, công nghệ số được phát triển mạnh mẽ, buộc người bán hàng phải mở rộng tìm kiếm khách hàng trên các sàn điện tử. Tuy nhiên, từ trước đến nay, phương thức bán hàng trên sàn điện tử của người dân chưa được chuyên nghiệp, chưa tiếp cận được khách hàng, giá trị mang lại còn thấp.

Sau khi người dân được tập huấn UBND huyện tổ chức cuộc thi ivestream bán hàng.

Sau khi người dân được tập huấn UBND huyện tổ chức cuộc thi ivestream bán hàng.

Anh Hà Văn Phương, một Tiktoker đang hướng dẫn người dân xã Đắc Na livestream bán hàng dược liệu cho biết, bán hàng trên các sàn thương mại mang lại nhiều thuận lợi, giúp người bán tiếp cận khách hàng rộng rãi.

Hình thức livestream trên sàn thương mại sẽ giúp người bán tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng ở khắp nơi thông qua các kênh trực tuyến và ứng dụng di động, từ đó tăng cơ hội bán hàng.

Theo anh Phương, với đặc điểm văn hóa rất riêng là những người nông dân đồng bào Xê Đăng của huyện vùng núi tỉnh Kon Tum, gian hàng nông sản của họ sẽ khá thu hút người xem. Chỉ cần có thêm kỹ năng bán hàng, trang trí nơi liveatream bắt mắt, trang phục truyền thống đẹp, chắc chắn người dân sẽ bán được nhiều đơn hàng.

Anh Hà Văn Phương (ở giữa) đang hướng dẫn người dân xã Đắc Na livestream bán hàng dược liệu.

Anh Hà Văn Phương (ở giữa) đang hướng dẫn người dân xã Đắc Na livestream bán hàng dược liệu.

Anh Trần Văn Minh, chủ quầy hàng bán dược liệu, lần đầu tiên làm quen với phương thức bán hàng trên nền tảng mạng xã hội chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi thử bán hàng qua mạng xã hội thấy rất thuận lợi, quá trình đăng ký tài khoản và thiết lập gian hàng trên các sản khá đơn giản và nhanh chóng. Với hình thức bán hàng này, tôi sẽ có thêm một kênh bán hàng online, thêm cơ hội để đưa sản phẩm dược liệu của huyện đến với khách hàng khắp cả nước".

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nong-dan-vung-nui-tinh-kon-tum-hoc-lam-giau-nho-livestream-ban-hang-qua-mang-204241210105804869.htm