Rác thải từ 'công nghệ xanh' giá rẻ: Mối họa trong lòng đô thị

Một chiếc quạt mini giá rẻ mua vội trên sàn thương mại điện tử, một cục sạc dự phòng được tặng kèm trong chương trình khuyến mãi, hay một đôi tai nghe không dây nhanh chóng lỗi thời – những thiết bị 'công nghệ xanh' từng được ca ngợi vì tiết kiệm năng lượng, giờ đây đang trở thành mối nguy hại cho môi trường.

Mỗi năm, Việt Nam thải ra hơn 90.000 tấn rác thải điện tử, trong đó các thiết bị nhỏ như quạt mini, sạc dự phòng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Khi những sản phẩm này kết thúc vòng đời ngắn ngủi, chúng thường bị vứt lẫn vào rác sinh hoạt, gây ô nhiễm đất, nước và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Liệu công nghệ xanh có thực sự “xanh” khi để lại một núi rác thải độc hại? Câu trả lời nằm ở cách chúng ta quản lý và tái chế chúng.

Từ vật dụng tiện lợi đến hiểm họa tiềm tàng

Trong ngày Hè cao điểm, hình ảnh những chiếc quạt mini cầm tay xuất hiện khắp nơi, từ văn phòng tới trường học, công viên… Chúng được quảng cáo là sản phẩm sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sau một mùa sử dụng, số lượng lớn thiết bị này bị vứt bỏ ra bãi rác thải sinh hoạt, nhiều trong số đó chưa qua xử lý an toàn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rác thải điện tử – trong đó bao gồm cả các thiết bị công nghệ cầm tay – hiện đang là một trong những nguồn chất thải phát sinh nhanh nhất trên toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, lượng rác điện tử toàn cầu sẽ đạt khoảng 74 triệu tấn, gần gấp đôi so với năm 2014. Các thiết bị như sạc dự phòng, quạt mini, đèn led mini, tai nghe không dây… thường sử dụng pin lithium-ion – một loại pin có năng lượng cao nhưng rất khó phân hủy. Nếu pin bị vứt lẫn trong rác sinh hoạt hoặc xử lý không đúng quy trình, chúng có thể gây cháy nổ, rò rỉ hóa chất như thủy ngân, cadmium, lithium… xuống đất và nguồn nước, gây ô nhiễm kéo dài. Một báo cáo mới được công bố trên The Guardian vào tháng 7/2024 cho biết, nhiều pin lithium-ion chứa các hóa chất PFAS – còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” có khả năng tồn tại hàng trăm năm trong môi trường mà không phân hủy. Những hóa chất này có thể xâm nhập vào chuỗi thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Những cục pin dự phòng, sau khi hết giá trị sử dụng lập tức biến thành rác thải, đe dọa môi trường. Ảnh minh họa

Những cục pin dự phòng, sau khi hết giá trị sử dụng lập tức biến thành rác thải, đe dọa môi trường. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính của vấn đề được nhìn nhận nằm ở thói quen tiêu dùng và thiết kế sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Hùng - một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, sở dĩ anh chọn mua đồ dùng công nghệ là vì giá rẻ và dễ dàng tìm kiếm trên thị trường. “Tôi mua một chiếc quạt mini giá 80.000 đồng trên mạng, dùng được vài tháng thì hỏng. Sửa thì tốn kém, nên tôi vứt đi và mua cái mới” – anh Hùng nói. Câu chuyện của anh Hùng không phải cá biệt. Các thiết bị công nghệ xanh giá rẻ, đặc biệt là từ các thương hiệu không tên, thường có chất lượng thấp, nhanh hỏng, và khó sửa chữa. Hơn nữa, thiết kế tích hợp của các sản phẩm như sạc dự phòng, với pin lithium-ion dán chặt vào vỏ nhựa, khiến việc tái chế trở nên tốn kém và phức tạp.

Ông Trần Văn Nam – chủ một cơ sở tái chế tại Hà Nội thừa nhận, việc tái chế những đồ công nghệ hiện nay không nhiều nơi thực hiện được. Do đó, phần lớn đồ công nghệ rẻ tiền sau khi dùng xong đều bị vứt bỏ thay vì được thu mua và tái sử dụng. “Tách pin lithium-ion ra khỏi các thiết bị nhỏ rất khó, cần công nghệ hiện đại và chi phí cao. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ chỉ tháo lấy đồng, còn lại đem chôn lấp hoặc đốt” – ông Trần Văn Nam cho biết.

Theo các chuyên gia môi trường, một trong những rào cản lớn khiến cho việc tái chế, tái sử dụng rác thải công nghệ chưa được phổ biến chính là việc thiếu hệ thống thu gom chuyên biệt. Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 15 cơ sở được cấp phép xử lý rác thải điện tử, với công suất hạn chế từ 0,5 đến 3 tấn mỗi ngày. Điều này không chỉ làm mất cơ hội tái chế các vật liệu quý như đồng, vàng, hay

lithium-ion mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Rõ ràng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hiện tại của các đô thị lớn vốn đã quá tải, nay lại phải đối mặt thêm với một loại rác thải nguy hại trá hình, một thách thức mà cơ sở hạ tầng và quy trình hiện tại chưa được thiết kế để ứng phó.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề không chỉ nằm ở thói quen của người tiêu dùng hay sự quá tải của hệ thống xử lý rác. Gốc rễ nằm ở "khoảng trống trách nhiệm" từ phía các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến rác thải công nghệ đang trở thành mối đe dọa với môi trường bắt nguồn từ việc phần lớn các đồ công nghệ giá rẻ được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch hoặc bởi các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, những người chỉ tập trung vào việc bán hàng và gần như “phủi tay” với trách nhiệm sau bán hàng. Họ hưởng lợi từ mô hình kinh tế tuyến tính (sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ) nhưng lại đẩy toàn bộ gánh nặng chi phí xử lý môi trường cho xã hội, cụ thể là cho chính quyền đô thị và người dân. Đây là một sự bất bình đẳng trong phân bổ chi phí. Về nguyên tắc, chi phí xử lý môi trường phải được tính vào giá thành sản phẩm. Người gây ô nhiễm phải trả tiền. Khi nhà sản xuất, nhập khẩu không phải chịu trách nhiệm cho việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, họ sẽ không có động lực để tạo ra những sản phẩm bền hơn, thân thiện với môi trường hơn. Gánh nặng này đang được ngân sách Nhà nước, tức là tiền thuế của người dân, gánh chịu một cách vô lý.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, các chuyên gia môi trường cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ từ cả cơ quan quản lý, DN và người tiêu dùng. Một sản phẩm tiện ích không thể được coi là “xanh” chỉ vì nó giúp tiết kiệm một chút điện năng tiêu thụ, trong khi vòng đời của nó lại tạo ra một gánh nặng môi trường to lớn. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần có những chế tài mạnh mẽ hơn để buộc các nhà nhập khẩu, phân phối phải tuân thủ quy định EPR, bất kể quy mô kinh doanh. Đồng thời, cần khẩn trương quy hoạch và nhân rộng các điểm thu hồi rác thải điện tử nguy hại tại các khu dân cư, siêu thị, trung tâm thương mại để người dân có nơi thải bỏ đúng cách. Các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cần được thực hiện sâu rộng, không chỉ kêu gọi “vứt rác đúng nơi quy định” mà còn phải nhấn mạnh đến việc “tiêu dùng có trách nhiệm”. Còn về phía DN, đây là lúc cần thể hiện trách nhiệm xã hội và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ, hãy cạnh tranh bằng chất lượng, độ bền và dịch vụ hậu mãi. Việc xây dựng các chương trình thu hồi như “đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới có trợ giá” không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là cách hiệu quả để xây dựng lòng trung thành của khách hàng và hình ảnh thương hiệu bền vững. Quan trọng nhất, sự thay đổi phải đến từ nhận thức và hành động của mỗi người tiêu dùng. Thay vì chạy theo các sản phẩm “thời trang” công nghệ, chúng ta có thể “bỏ phiếu bằng ví tiền” bằng cách lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu uy tín, độ bền cao, có chính sách bảo hành và thu hồi rõ ràng. Trước khi vứt bỏ một thiết bị hỏng, hãy tìm hiểu về các điểm thu gom rác thải điện tử gần nhà.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), yêu cầu các DN sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm (bao gồm pin, ắc quy, thiết bị điện tử) phải có trách nhiệm thu hồi, tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động này. “Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi quy định này với các mặt hàng công nghệ giá rẻ, thường không có thương hiệu rõ ràng, đang gặp vô vàn khó khăn”.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rac-thai-tu-cong-nghe-xanh-gia-re-moi-hoa-trong-long-do-thi.756263.html