Bệnh bạch biến có chữa khỏi được không?

Bệnh bạch biến có biểu hiện lâm sàng khá dễ nhận biết với các đốm trắng, loang lổ khắp cơ thể, nhưng để phục hồi màu sắc da như bình thường cần quá trình điều trị lâu dài

Ngày 23-6, tại sự kiện hưởng ứng Ngày Bạch biến thế giới 25-6, GS-TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết hiện chưa có thống kê chính thức về số người bị bạch biến tại Việt Nam nhưng bệnh nhân có xu hướng tăng.

Bệnh nhân bị bạch biến với dấu hiệu là nhiều vùng da loang lổ và có các đốm trắng

Bệnh nhân bị bạch biến với dấu hiệu là nhiều vùng da loang lổ và có các đốm trắng

Hiện tại, bệnh viện đang quản lý và theo dõi khoảng 1.500 bệnh nhân bạch biến. Đa số là bệnh nhân ở trong giai đoạn mới phát hiện, tiến triển nhanh, tâm lý lo lắng vì chưa có hiểu biết về bệnh.

Theo GS Sáu, bệnh bạch biến không phải bệnh truyền nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khỏe chung nhưng tác động rất lớn tới tâm lý của người bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng khá dễ nhận biết với các đốm trắng như "rắc hoa giấy", loang lổ khắp cơ thể, nhưng muốn khắc phục bệnh triệt để cần một quá trình điều trị lâu dài. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người bệnh.

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng nhóm Phòng khám chuyên đề "Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố", Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh bạch biến là một bệnh lý khó điều trị, nhiều trường hợp bệnh tiến triển có thể ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

GS Nguyễn Hữu Sáu cho biết bệnh bạch biến có thể điều trị ổn định, màu da gần như bình thường

Ngoài sử dụng thuốc uống, thuốc bôi, laser... bệnh nhân có thể điều trị ghép da hoặc ghép tế bào tự thân. Cấy ghép tế bào thượng bì tự thân là phương pháp lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi. Sau đó miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến.

Các bác sĩ nhấn mạnh việc điều trị bệnh bạch biến là một quá trình lâu dài cần sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan lo lắng làm bệnh diễn tiến nặng hơn.

Theo các chuyên gia da liễu, 80% người mắc căn bệnh này có liên quan đến yếu tố gene và có khoảng 20% người bị bạch biến có tiền sử gia đình. Tuổi khởi phát trung bình của bệnh vào khoảng 10-30 tuổi. Hiện chưa có biện pháp nào phát hiện hoặc dự đoán được tình trạng bạch biến từ khi còn trong bào thai.

Những lời nhắn gửi của y bác sĩ gửi tới người bệnh bạch biến mong muốn họ vượt qua mặc cảm, tự ti

Những lời nhắn gửi của y bác sĩ gửi tới người bệnh bạch biến mong muốn họ vượt qua mặc cảm, tự ti

Bác sĩ khuyến cáo nếu có bất kì một thay đổi màu sắc nào trên da, bệnh nhân cần tới khám tại cơ sở chuyên khoa để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Việc phát hiện bệnh sớm giúp quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Tùy theo mức độ thể bệnh, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp.

"Thất bại điều trị thường xuất phát từ việc bệnh nhân không được tư vấn kỹ, chưa có những hiểu biết cần thiết về bệnh, từ đó bỏ điều trị, khiến bệnh chuyển sang giai đoạn khó điều trị hơn. Bên cạnh đó, do lo lắng, mặc cảm, khiến bệnh nhân tin tưởng vô căn cứ vào lời quảng cáo điều trị bệnh dứt điểm trong thời gian ngắn đã làm lỡ cơ hội điều trị sớm"- bác sĩ Hiền lưu ý.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/benh-bach-bien-co-chua-khoi-duoc-khong-196240623143558694.htm