Bệnh Basedow có nguy hiểm?

Basedow là bệnh tự miễn của tuyến giáp làm tuyến giáp phì đại và tăng chức năng. Đây là bệnh lý thường gặp trong các bệnh nội tiết. Nếu người bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề như suy tim, rung nhĩ, lồi mắt… Các bệnh nhân bị Basedow lâu năm sẽ có tình trạng hạ Kali máu, và khi Kali máu hạ thấp có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Để hiểu rõ về bệnh Basedow, phóng viên có cuộc trao đổi với BS CK I Nguyễn Văn Phú, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An.

Siêu âm phát hiện Bệnh Basedow

Siêu âm phát hiện Bệnh Basedow

PV: Xin BS cho biết thực trạng bệnh Basedow ở Nghệ An. Lượng bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An?

BS CKI Nguyễn Văn Phú: Bệnh Basedow là bệnh lý cường giáp phổ biến nhất (hơn 90% các trường hợp cường giáp). Bệnh hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới, khi phát hiện muộn và không điều trị sẽ để lại nhiều biến chứng. Hiện tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An mỗi tháng điều trị ngoại trú cho hơn 1000 bệnh nhân Basedow, nhiều bệnh nhân đến khám khi đã có các biến chứng nặng nề như suy tim, rung nhĩ, lồi mắt… Hàng năm bệnh viện điều trị phẫu thuật cho hơn 200 bệnh nhân mắc bệnh Basedow.

PV: Xin bác sĩ cho biết bệnh Basedow là gì? Biểu hiện, triệu chứng của bệnh?

BS CKI Nguyễn Văn Phú: Bệnh Basedow hay còn gọi là bệnh Grave, bệnh Parry, bệnh nhiễm độc giáp lan tỏa, bệnh cường giáp tự miễn là bệnh lý tự miễn của tuyến giáp làm tuyến giáp phì đại và tăng chức năng. Người mắc bệnh sẽ có các biểu hiện triệu chứng của hội chứng cường giáp.

Tùy mức độ bệnh cũng như thời gian mắc bệnh mà người bệnh có các biểu hiện từ nhẹ đến nặng như: cổ to, hồi hộp, khó ngủ, mệt mỏi ra mồ hôi nhiều, da nóng ẩm, sợ nóng, tính tình dễ thay đổi, dễ bị kích thích, hay cáu gắt, nhịp tim nhanh, mắt căng tức, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tiêu hóa (thường là tiêu chảy)… nếu nặng hơn có thể có biểu hiện như run tay, sụt cân nhanh dù vẫn thèm ăn và ăn uống được, yếu cơ, lồi mắt, cổ có thể rất to, suy tim, rung nhĩ, phù niêm trước xương chày, rối loạn điện giải, các biến chứng nặng về tuần hoàn, thần kinh…

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

PV: Thưa ông, các biến chứng của bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời?

BS CKI Nguyễn Văn Phú: Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời, tình trạng Hormon giáp trong máu cao duy trì trong một thời gian dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Biến chứng về mắt: làm mắt lồi, căng, dễ khô mắt, tổn thương mắt và giảm thị lực

Biến chứng về rối loạn điện giải: Các bệnh nhân bị Basedow lâu năm sẽ có tình trạng hạ Kali máu, và khi Kali máu hạ thấp có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Biến chứng do rối loạn chuyển hóa: Bệnh nhân tăng nguy cơ loãng xương, gây ra các biến chứng khác như dễ gãy xương, các bệnh lý về xương khớp.

Biến chứng tim mạch: bệnh nhân mắc bệnh lâu sẽ duy trì nhịp tim nhanh trong một thời gian dài dễ dẫn đến suy tim. Nhiều trường hợp nhịp tim bệnh nhân rất nhanh, khi gắng sức hoặc xảy ra các stress tâm lý thì nhịp tim sẽ tăng lên nhanh hơn rất nhiều và có thể gây rung nhĩ, tạo ra cục máu đông, có thể gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu phổi nếu các cục máu đông làm tắc các mạch máu ở nhiều cơ quan quan trọng…

Ngoài ra nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh Basedow có thể gây ra nhiều các biến chứng khác liên quan đến hệ tim mạch, thần kinh, và các rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng khác…

Ngoại khoa là một phương pháp điều trị bệnh Basedow tối ưu

Ngoại khoa là một phương pháp điều trị bệnh Basedow tối ưu

PV: Các phương pháp điều trị bệnh Basedow như thế nào?

BS CKI Nguyễn Văn Phú: Hiện nay bệnh Basedow có 3 phương pháp điều trị: Nội khoa, Ngoại khoa và sử dụng Iod phóng xạ. Đối với mỗi bệnh nhân tùy trường hợp cụ thể mà có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với mình tại một thời điểm nhất định.

Nội khoa: là phương pháp được ưu tiên hàng đầu khi bệnh nhân phát hiện bệnh lần đầu. Bệnh nhân được sử dụng các thuốc kháng giáp và thuốc điều trị triệu chứng, biến chứng. Thời gian điều trị thường kéo dài 18-24 tháng hoặc lâu hơn. Tỷ lệ khỏi bệnh khi điều trị nội khoa là 40-50%, tỷ lệ tái phát sau điều trị là 50-60%.

Ngoại khoa: trước đây là phương pháp ít được áp dụng, tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các thiết bị hiện đại thì phương pháp này được chỉ định rộng rãi hơn và mang lại hiệu quả cũng như an toàn hơn cho người bệnh.

Ưu điểm của phương pháp ngoại khoa là điều trị nhanh chóng đạt hiệu quả bình giáp, sau mổ bệnh nhân trẻ có thể mang thai ngay, tỷ lệ bình giáp sau điều trị theo nhiều nghiên cứu lên đến hơn 80%.

Ngoài ra với các bệnh nhân Basedow có nhân kèm theo thì ngoại khoa là một phương pháp điều trị tối ưu, vừa điều trị tình trạng cường giáp của bệnh nhân vừa cắt bỏ nhân tuyến giáp.

Hiện nay, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An là bệnh viện đầu tiên khu vực Bắc miền Trung thực hiện phẫu thuật điều trị bệnh Basedow theo đúng quy trình chuẩn hóa (điều trị Lugol và corticoid trước mổ) và mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh. Tính đến tháng 8 năm 2020 Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã phẫu thuật thành công cho hơn 600 bệnh nhân Basedow.

Iod phóng xạ: Là phương pháp sử dụng Iod-131 tập trung chủ yếu ở tuyến giáp để tiêu diệt và làm nhỏ tuyến giáp và đưa tuyến giáp về mức bình giáp. Tuy nhiên tỷ lệ suy giáp sau xạ trị của bệnh nhân khá cao.

Các phương pháp ngoại khoa và iod phóng xạ đều đòi hỏi thực hiện ở các cơ sở có điều kiện khoa học kỹ thuật cũng như trình độ chuyên sâu của bác sỹ thực hiện.

Tính đến tháng 8 năm 2020 bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã phẫu thuật thành công cho hơn 600 bệnh nhân Basedow.

Tính đến tháng 8 năm 2020 bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã phẫu thuật thành công cho hơn 600 bệnh nhân Basedow.

PV: Lời khuyên của bác sĩ về cách phòng bệnh Basedow?

BS CKI Nguyễn Văn Phú: Bệnh Basedow là bệnh mà tuyến giáp của người bệnh tăng chức năng bắt iod để sản xuất Hormon tuyến giáp. Do đó để phòng bệnh cũng như làm giảm nguy cơ tái phát bệnh cần phải chú ý: Giảm các thức ăn có hàm lượng iod cao như: tôm, cua, rong biển, các loại hải sản…; Hạn chế các thức ăn cay, nóng, chất kích thích như: rượu, bia, café, thuốc lá, các loại nước ngọt có ga…; Tránh thức khuya, làm việc gắng sức, hạn chế các stress, căng thẳng tâm lý…

PV: Xin cảm ơn bác sĩ

Từ Thành (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-basedow-co-nguy-hiem-n179874.html