Người dân khổ sở vì mặt nổi sần mụn mủ, mắt sưng do kiến ba khoang

Khi da tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của kiến ba khoang tiết ra sẽ xuất hiện tình trạng kích ứng da, nổi mụn nước, phỏng rộp trên bề mặt da… nếu điều trị không đúng cách sẽ gặp nhiều biến chứng như nhiễm trùng, bội nhiễm, sẹo…

ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi – Phó trưởng phòng điều hành phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng rất nặng do áp dụng những phương pháp dân gian, tự điều trị, điều trị tại những cơ sở không uy tín gây tình trạng bội nhiễm và bệnh ngày càng nặng hơn.

Điển hình là trường hợp của con trai bà Phạm Ngọc Loan (ngụ tại Quận 8). Bà Lan cho biết, dù ở tầng 14 nhưng gần đây có rất nhiều kiến ba khoang bay vào nhà bà. Nghĩ chỉ là kiến thông thường nên con trai bà đã bắt giết bằng tay không.

Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do tiếp xúc với kiến ba khoang. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do tiếp xúc với kiến ba khoang. Ảnh: BVCC.

"Sau khi giết kiến, con tôi không rửa tay mà lấy bông gòn nhét vào tai vì sợ ngủ sàn kiến sẽ bò vào tai. Sáng ngủ dậy hai tai của con trai tôi nổi nhiều mụn nước và mụn mủ sần cả mặt, mắt sưng bụp…Nghĩ là dị ứng nên tôi đưa con ra tiệm thuốc tây mua thuốc điều trị dị ứng. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc tình trạng bệnh của con tôi không cải thiện. Tưởng rằng con trai bị giời leo nên tôi đã đưa con trai đi khám chứ không nghĩ tới con bị viêm da tiếp xúc do tiếp xúc với kiến ba khoang", bà Loan cho hay.

Tương tự, chị Yến Thu (ngụ Bình Thạnh) chia sẻ, tối hôm trước lúc đang ngồi làm việc chị cảm giác có con gì bò ở cổ nên chị đã lấy tay hất ra. Tầm 5 phút sau, vùng da cổ của chị xuất hiện tình trạng nóng, ngứa, rát. Và nửa ngày sau vùng da này bắt đầu nổi mụn nước, ngứa rát.

"Bản chất người bệnh bị viêm da do kiến ba khoang gây ra không phải do bị kiến cắn mà do dịch tiết và nọc độc của kiến ba khoang gây ra. Khi da tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của kiến ba khoang tiết ra sẽ xuất hiện tình trạng kích ứng da, nổi mụn nước, phỏng rộp trên bề mặt da", bác sĩ Nhi nói.

Nọc độc kiến ba khoang sẽ lan rộng ra nếu bệnh nhân cào, gãi vào vết thương. Ảnh: BVCC.

Nọc độc kiến ba khoang sẽ lan rộng ra nếu bệnh nhân cào, gãi vào vết thương. Ảnh: BVCC.

Tình trạng này sẽ bị lan rộng nếu chúng ta chăm sóc vết thương không đúng cách, hoặc cào gãi vết thương khiến nọc độc lây lan. Vì vậy, để tránh tình trạng bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, điều đầu tiên người bệnh nên làm là rửa sạch vùng dịch do kiến ba khoang gây ra. Lưu ý cần rửa nhẹ nhàng để rửa trôi dịch độc của kiến, không chà xát mạnh tránh làm lây lan dịch tiết ra những vùng da khác và làm bệnh nặng thêm. Đồng thời, hạn chế cào gãi, chà xát, làm vỡ những mụn nước, phồng rộp trên da.

Đặc biệt, khi da xuất hiện những dấu hiệu bất thường nên đến khám tại bệnh viện hoặc các bác sĩ chuyên khoa để được uống thuốc và sử dụng thuốc bôi đặc hiệu nhằm làm giảm triệu chứng khó chịu do kiến ba khoang gây ra.

Bác sĩ Nhi lưu ý, khi bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang, người bệnh tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc, những loại chất không rõ loại trên bề mặt da mà cần có hướng điều trị đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, bội nhiễm, tăng sắc tố sau viêm, sẹo lồi, sẹo lõm…

Phó trưởng phòng điều hành phòng Kế hoạch tổng hợp – BV Da Liễu TPHCM khuyến cáo, mùa mưa là mùa hoạt động, sinh sản của kiến ba khoang, chính vì vậy ở những vùng cây cối nhiều, người dân cần căng lưới phòng chống côn trùng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ đặc biệt là các khe cửa, những vị trí ẩm thấp trong góc kẹt nhà.

Bên cạnh đó, kiến ba khoang có tập tính thích ánh đèn vì vậy người dân nên giảm bớt ánh đèn trong nhà để hạn chế thu hút kiến. Đồng thời hạn chế phơi quần áo ban đêm.

Phạm Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-kho-so-vi-mat-noi-san-mun-mu-mat-sung-do-kien-ba-khoang-169240703113527442.htm