Bệnh béo phì vẫn gia tăng nhanh
Theo xu hướng hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng tới năm 2030, gần một nửa người dân trưởng thành ở Mỹ sẽ mắc căn bệnh béo phì. Với lối sống hiện đại, thì không chỉ dân số Mỹ, mà dân số trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển cũng gặp phải vấn đề nghiêm trọng về tỷ lệ béo phì trong dân số.
Béo phì trầm trọng - vấn đề đáng lo ngại
Theo nghiên cứu dự báo tỷ lệ béo phì ở người lớn và béo phì nặng ở cấp tiểu bang Hoa Kỳ, nhóm nghiên cứu của TS. Zachary J. Ward cùng cộng sự đến từ Trường Y tế công cộng Harvard (Hoa Kỳ), đã dự đoán rằng tỷ lệ béo phì của người trưởng thành ở 29 tiểu bang tại Hoa Kỳ sẽ tăng vọt lên đến trên 50%. Sẽ không có tiểu bang nào ở Hoa Kỳ có tỷ lệ người béo phì dưới 35% vào năm 2030, đây là một con số đáng báo động với tình hình thực tế của bệnh béo phì hiện nay.
Nhóm nghiên cứu của TS. Zachary đã ước tính vào năm 2030, trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc béo phì ở mức độ “trầm trọng” (người có cân nặng lớn hơn khoảng 45,4kg so với trọng lượng cơ thể lý tưởng của họ, hoặc có chỉ số khối cơ thể BMI từ 40 trở lên). Béo phì trầm trọng là một tình trạng hiếm gặp hiện nay, tuy nhiên nó đang phát triển khá nhanh tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ.
Các nhà khoa học cũng dự đoán được rằng tỷ lệ mắc béo phì trầm trọng sẽ phổ biến ở phụ nữ, người da đen (trừ những người da đen gốc Tây Ban Nha) và người trưởng thành có thu nhập thấp (những người có thu nhập hộ gia đình dưới 50.000USD/năm).
Kết quả của nghiên cứu dựa trên dữ liệu khảo sát của hơn 6 triệu người Hoa Kỳ và đã được điều chỉnh phù hợp để loại trừ các trường hợp báo cáo cân nặng thấp hơn thực tế. Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng béo phì đang tăng ở mọi tiểu bang và sẽ tăng rất cao ở một số tiểu bang.
Mặc dù dữ liệu về bệnh béo phì trên toàn quốc gia đã được ghi nhận lại một cách rõ ràng, tuy nhiên dữ liệu của riêng từng tiểu bang còn chưa đầy đủ. Để thu thập thông tin, các điều tra viên triển khai một hệ thống “giám sát các yếu tố rủi ro liên quan đến hành vi” (BRFSS), các điều tra viên đã gọi điện đến hơn 400.000 người trưởng thành trên toàn quốc gia Hoa Kỳ mỗi năm để thu thập thông tin theo một mẫu có sẵn, từ đó hình thành dữ liệu cấp tiểu bang. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của TS.Zachary cũng lưu ý rằng “Số liệu có thể sai lệch do quá trình tự báo cáo của những người tham gia nghiên cứu dẫn đến kết quả cho ra tỷ lệ mắc bệnh béo phì thấp hơn thực tế”.
Nhóm nghiên cứu của TS. Zachary J. Ward tiếp theo đó đã sử dụng các phương pháp để ước tính tỷ lệ béo phì vào năm 2030. Từ đó họ đưa ra một dự đoán mang tính chính xác cao rằng vào năm 2030, cứ khoảng 2 người trưởng thành sẽ có 1 người bị mắc bệnh béo phì.
Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây của họ được công bố trên Medscape Medical News: “57% trẻ em từ 2-19 tuổi vào năm 2016 được dự đoán là sẽ mắc bệnh béo phì ở tuổi 35”.
Phòng ngừa béo phì phải đặt lên hàng đầu
Các nhà khoa học cho rằng: Béo phì, đặc biệt là béo phì ở mức độ “trầm trọng” có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạn tính và gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người, vì thế phòng ngừa bệnh béo phì phải được đặt lên hàng đầu.
TS. Zachary chia sẻ về mục đích của nghiên cứu: Một trong những động lực chính của nghiên cứu là để cung cấp thêm thông tin cho các nhà hoạch định chính sách của các tiểu bang. Ví dụ, nghiên cứu trước đây của nhóm cho thấy rằng việc tăng thuế đối với đồ uống có đường có thể làm giảm mức tiêu thụ các loại đồ uống này, từ đó giúp kiềm chế sự gia tăng béo phì.
Nhà nghiên cứu Zachary J. Ward cho rằng: Thật khó để giảm cân và thật khó để điều trị béo phì. Vì vậy, phòng ngừa nó thực sự rất quan trọng và đây chính là chìa khóa để đẩy lùi bệnh béo phì đang tiến triển khủng khiếp như hiện nay.
DS. Nguyễn Hải Đăng
((Theo medscape))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-beo-phi-van-gia-tang-nhanh-n184325.html