Bệnh bụi phổi gây loạt biến chứng: Điều trị có hiệu quả?
Bệnh bụi phổi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì hiện giờ không có phương pháp điều trị triệt để bệnh nên việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Bệnh bụi phổi là gì?
Bệnh bụi phổi là một trong nhóm bệnh lý phổi kẽ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do hít phải một số chất có trong khói bụi và gây tổn thương phổi.
Theo trang hopkinsmedicine.org, bệnh bụi phổi xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau, tùy thuộc vào loại bụi mà người bệnh hít phải. Một trong những dạng phổ biến nhất là bệnh phổi đen do hít phải bụi than. Một số loại bụi khác có thể gây bệnh gồm amiăng, silic, bông,...
Bệnh bụi phổi có thể đơn giản hoặc phức tạp. Bệnh bụi phổi đơn giản gây ra một lượng nhỏ mô sẹo. Loại bệnh này đôi khi được gọi là bụi phổi công nhân than (còn được gọi là CWP hoặc phổi đen). Bệnh bụi phổi phức tạp được gọi là bệnh xơ hóa lớn tiến triển, hay PMF. Xơ hóa có nghĩa là có rất nhiều sẹo trong phổi.
Đối với bệnh bụi phổi đơn giản hoặc phức tạp, tổn thương gây mất mạch máu và túi khí trong phổi của người bệnh. Các mô bao quanh túi khí và đường dẫn khí trở nên dày và cứng do sẹo, khiến hơi thở ngày càng trở nên khó khăn. Tình trạng này được gọi là bệnh phổi kẽ.
Bệnh bụi phổi không xảy ra một cách đột ngột mà xuất hiện sau nhiều năm khi người bệnh tiếp xúc đủ lâu với các tác nhân gây hại.
Triệu chứng của bệnh bụi phổi thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. CWP đơn giản có thể không có hoặc có ít triệu chứng. PMF có thể gây khó thở từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Ho kéo dài
- Ho ra nhiều đờm
- Hụt hơi, khó thở
Biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ, bệnh bụi phổi nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các biến chứng nguy hiểm thường gặp gồm:
- Tiến triển thành PMF
- Viêm phế quản mãn tính
- Suy hô hấp
- Ung thư phổi
- Bệnh lao phổi
- Suy tim do áp lực từ bên trong phổi
Điều trị bệnh bụi phổi thế nào?
Hiện tại không có cách chữa trị dứt điểm bệnh bụi phổi, vì vậy việc điều trị nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn. Các bác sĩ chỉ có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng và hướng dẫn họ sống chung với căn bệnh này.
Theo Sở Y tế Nam Định, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc dạng hít như thuốc giãn phế quản hoặc corticosteroid. Thuốc giãn phế quản sẽ giúp mở rộng đường thở của người bệnh trong trường hợp người bệnh bị khó thở. Corticosteroid có thể làm hạn chế tình trạng viêm đường thở.
Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy mức độ oxy trong máu của người bệnh bị suy giảm, các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp bổ sung oxy. Một vài bệnh nhân có thể phải cần đến liệu pháp này cả ngày, một số khác chỉ cần sử dụng vào ban đêm.
Vì không có phương pháp chữa khỏi triệt để bệnh bụi phổi nên việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ đặt ra các quy tắc phòng ngừa tiêu chuẩn cho những người lao động có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa phổ biến:
- Đeo mặt nạ/khẩu trang
- Rửa vùng da tiếp xúc với bụi
- Loại bỏ bụi khỏi quần áo một cách an toàn
- Rửa mặt và tay kỹ lưỡng trước khi ăn, uống hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào
- Không hút thuốc
- Khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh bụi phổi nên đi khám ngay
- Chụp X-quang ngực thường xuyên và khám sức khỏe
Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn