Bệnh chuyển nặng vì thời tiết nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi phát triển, người mắc bệnh lý mãn tính nguy cơ chuyển biến nặng.

Tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm, kèm theo tiểu đường type 2, tăng huyết áp, bệnh mạch vành (đã đặt stent), vài ngày gần đây, ông Đoàn Minh (73 tuổi, Hà Nội) thấy khó thở.

Ông được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp. Người bệnh được chẩn đoán đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tức là tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn tiến nặng đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi. Ông phải thở oxy, điều trị hồi sức tích cực. Sau 4 ngày, người bệnh qua cơn nguy kịch.

Hình ảnh phổi tổn thương do bệnh chuyển biến nặng. (Ảnh: BV)

Hình ảnh phổi tổn thương do bệnh chuyển biến nặng. (Ảnh: BV)

Theo TS.BS Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiều người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, gây ra các tổn thương ở não, thậm chí tử vong.

“Trường hợp của ông Minh là ví dụ điển hình về việc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đột ngột trở nặng khi thời tiết giao mùa ở miền Bắc. Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi phát triển, khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp”, bác sĩ Quyên nói.

Tình trạng thiếu ánh nắng mặt trời, không khí lưu thông kém cũng là một trong những lý do khiến các tác nhân gây bệnh “lơ lửng” trong không khí, tích tụ lại và tấn công đường thở. Nấm mốc và mùi hôi cũng dễ kích thích đường hô hấp, đặc biệt ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bên cạnh đó, các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường và tim mạch cũng làm tăng nguy cơ biến chứng và gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Cụ thể, tăng huyết áp và bệnh lý mạch vành khi có đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây suy hô hấp, thiếu oxy cơ thể sẽ, làm tăng gánh nặng cho tim, dễ dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim. Tiểu đường làm giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, khiến người bệnh dễ bị bội nhiễm viêm phổi.

Theo chuyên gia, dấu hiệu của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sắp xảy ra là khó thở. Người bệnh cảm thấy bị bóp nghẹn lồng ngực, lượng không khí tiếp nhận không đủ. Điều này xảy ra ngay cả khi người bệnh hoạt động thể chất nhẹ hoặc đang nghỉ ngơi. Đặc biệt, ở những người nhiều bệnh lý nền, tình trạng suy hô hấp có thể diễn tiến rất nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường lớn tuổi, hệ miễn dịch suy yếu, cùng với bản chất đường thở bị thu hẹp và co thắt, nếu nhiễm thêm cúm hoặc các loại virus, vi khuẩn khác trong môi trường sẽ làm nặng hơn tình trạng viêm. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng khó thở, tím tái, thậm chí suy hô hấp.

Do đó, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt là kèm nhiều bệnh lý nền phức tạp cần chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế nguy cơ bệnh đột ngột trở nặng. Cụ thể, tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng phổi như bụi, than, dầu đốt. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, đặc biệt trong mùa lạnh để ngăn ngừa nhiễm cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp. Uống nhiều nước để thông đường thở và làm chất dịch nhầy không trở nên quá đặc, cản trở hô hấp.

Người dân cần chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, một số vaccine khác như phế cầu cũng được khuyến cáo có hiệu quả tốt với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tình trạng mắc bệnh cúm và viêm phổi là yếu tố dễ khởi phát đợt cấp của bệnh, người có bệnh cần duy trì các phác đồ điều trị và tái khám định kỳ thường xuyên với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe và tình trạng sức khỏe đang được kiểm soát ổn định.

Nhiều người chủ động pha nước muối súc họng để phòng bệnh. (Ảnh: Như Loan)

Nhiều người chủ động pha nước muối súc họng để phòng bệnh. (Ảnh: Như Loan)

Phòng bệnh mùa nồm ẩm

Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, mỗi người cần giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Chúng ta nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đúng giờ và đủ giấc, chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Người già và trẻ nhỏ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết; ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống.

Khi ra khỏi nhà, mọi người nên đeo khẩu trang để phòng bệnh, mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài; luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.

Chúng ta cũng cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời tiết nồm ẩm, không ăn đồ ăn ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn, giữ cho bát đũa sạch sẽ, không bị ẩm mốc.

Các gia đình sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Mặt khác, sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên các gia đình cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Đồng thời hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/benh-chuyen-nang-vi-thoi-tiet-nom-am-ar926781.html