Bệnh cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh cơ tim là nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến cơ tim. Bệnh xảy ra khi cấu trúc và chức năng của cơ tim bị biến đổi, làm giảm khả năng bơm máu của tim. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh cơ tim làm cho cơ tim to ra, dày lên hoặc cứng lại.
1. Nguyên nhân bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim là mô tả các bệnh lý của cơ tim, có 2 loại trong đó bệnh cơ tim nguyên phát bao gồm những biến đổi về cấu trúc và chức năng của cơ tim mà không xác định được nguyên nhân.
Tuy nhiên, người ta cho rằng các yếu tố gây bệnh có thể kể đến yếu tố tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, nhịp tim nhanh mạn tính, bệnh lý van tim, rối loạn chuyển hóa như: Béo phì, bệnh tuyến giáp hoặc đái tháo đường.
Ngoài ra, các ghi nhận cho thấy yếu tố mang thai, nghiện rượu, sử dụng một số loại thuốc hóa trị và xạ trị… có thể dẫn đến bệnh cơ tim.
Khi bệnh cơ tim tiến triển nặng hơn, tim trở nên yếu hơn nên giảm khả năng bơm máu đi khắp cơ thể và không có khả năng duy trì nhịp tim bình thường. Kết quả có thể là suy tim hoặc nhịp tim không đều được gọi là loạn nhịp tim. Tim suy yếu cũng có thể gây ra các biến chứng khác, chẳng hạn như các vấn đề về van tim.
2. Các loại bệnh cơ tim chính
+ Bệnh cơ tim giãn: Cơ tim bị giãn ra, trở nên suy yếu không còn khả năng co bóp đầy đủ, làm tăng nguy cơ suy tim và hình thành cục máu đông trong tim.
+ Bệnh cơ tim phì đại: Nghĩa là cơ tim quá sản và dày lên, cản trở sự tống máu của tim và bệnh cơ tim hạn chế (cơ tim bị xơ cứng).
+ Bệnh cơ tim do căng thẳng (stress) còn được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ.
+ Bệnh cơ tim thứ phát có thể là hậu quả của các bệnh lý hệ thống, tình trạng rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm khuẩn, bệnh mạch vành...
+ Bệnh cơ tim do rượu được coi là tình trạng cơ tim bị tổn thương do tác động trực tiếp của rượu và gián tiếp của thiếu dinh dưỡng và bệnh cơ tim do virus.
Bệnh cơ tim có thể mắc phải, nghĩa là phát triển do bệnh, do các yếu tố ảnh hưởng lên cơ tim. Hoặc, bệnh cơ tim có thể được di truyền, có nghĩa là gen của bệnh được truyền từ cha mẹ.
3. Biểu hiện bệnh cơ tim
Trong giai đoạn đầu bệnh cơ tim thường không có triệu chứng. Nhưng khi tình trạng bệnh tiến triển, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ xuất hiện ở người bệnh là khó thở khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi. Phù chân, đầy bụng, ho khi nằm xuống, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, đập mạnh hoặc hồi hộp, nặng ngực, chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu…
Thực tế cho thấy, trừ những trường hợp do nguyên nhân nhiễm khuẩn, các triệu chứng bệnh cơ tim thường tiến triển chậm. Hay gặp nhất là các dấu hiệu của tình trạng suy tim ứ huyết như mệt mỏi, phù và khó thở. Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim lại là dấu hiệu nổi bật nhất.
4. Chẩn đoán bệnh cơ tim
Ngoài khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm thường quy: đường máu (lúc đói), ure, creatinin, ion đồ máu, cholesterol toàn phần, LDL-c, HDL-c, Triglyceride máu, axit uric máu, tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu, điện tâm đồ, siêu âm tim.
Các xét nghiệm tìm nguyên nhân bao gồm: HbA1c, holter huyết áp 24 giờ, holter điện tâm đồ nếu có loạn nhịp tim, siêu âm động mạch ngoại biên (động mạch cảnh, động mạch chi dưới,..), soi đáy mắt, điện di miễn dịch cố định, định lượng sắt, định lượng vitamin B1, chụp mạch vành, thông tim, sinh thiết cơ tim, gen…p>
5. Điều trị bệnh cơ tim
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có các chỉ định cụ thể. Với nguyên tắc điều trị bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật, cấy ghép thiết bị hỗ trợ và các thủ thuật không phẫu thuật khác. Các phương pháp điều trị này có thể kiểm soát các triệu chứng, giảm các biến chứng và ngăn bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Việc thay đổi lối sống rất quan trọng trong đó cần bỏ thuốc lá, không sử dụng các chất ảnh hưởng cơ tim.
Có thể các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị suy tim, hóa trị bệnh cơ tim thoái hóa dạng bột…hoặc cấy ghép thiết bị hỗ trợ như máy tạo nhịp… hay phẫu thuật, thủ thuật can thiệp mạch vành, thăm dò điện sinh lý và cắt đốt bằng sóng radio cao tần…
Tóm lại: Bệnh cơ tim là nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến cơ tim nên tiên lượng bệnh phụ thuộc vào mức độ suy tim. Trong trường hợp bệnh cơ tim có suy tim nặng, cục máu đông hình thành trong tim có thể gây tắc mạch, đột quỵ hoặc đột tử.
Vì vậy, việc dự phòng vô cùng quan trọng, khi có các biểu hiện yếu tố nguy cơ cần phải đi khám sớm để xác định một chế độ điều trị hợp lý bao gồm cả điều trị nguyên nhân của bệnh cơ tim. Các nguyên nhân tiềm tàng như uống rượu nên tránh. Bệnh cơ tim phì đại thường bẩm sinh do vậy không thể dự phòng.