Bệnh dại có chữa được không?

Bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Cách duy nhất để thoát khỏi bệnh dại là sử dụng vaccine phòng dại để kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể chống lại virus dại...

Nội dung

1. Tại sao cần tiêm vaccine phòng dại?

2. Phác đồ tiêm vaccine phòng dại theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế

3. Tiêm vaccine phòng dại có gây tác dụng phụ gì không?

4. Một số điều cần lưu ý khi tiêm phòng dại

1. Tại sao cần tiêm vaccine phòng dại?

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người khi bị chó, mèo... cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc như chăm nuôi con vật bị dại.

100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được. Bởi vậy, cần sử dụng vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn, để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.

Có thể nói, vaccine phòng dại ra đời là bước tiến nhảy vọt của y học hiện đại cứu sống hàng triệu người trên thế giới thoát khỏi tử vong do bệnh dại.

2. Phác đồ tiêm vaccine phòng dại theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế

- Phác đồ tiêm bắp: Lịch tiêm 5 mũi trong vòng 1 tháng vào các ngày 0-3-7-14-28. Ngày 0 là tiêm mũi đầu tiên.

- Phác đồ tiêm trong da: Lịch tiêm 8 mũi trong vòng 1 tháng với 4 lần đi tiêm, mỗi lần 2 mũi vào các ngày 0-3-7-28.

Do tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho chó mèo ở Việt Nam còn thấp, nên nguy cơ bị nhiễm dại ở người bị cắn cao, vì vậy hầu hết các trường hợp bị chó mèo cắn sẽ được khuyến cáo tiêm vaccine ngay.

Ngoài ra, theo dõi chó mèo là yếu tố xem xét cùng trong quá trình điều trị dự phòng bằng vaccine. Trong quá trình tiêm chủng cho người, nếu có thể theo dõi được con vật cắn người thì trong vòng 10 ngày con vật sống bình thường, thì sau ngày thứ 10 có thể dừng tiêm chủng. Nếu trong vòng 10 ngày con vật cắn người có các dấu hiệu bất thường như ốm yếu, bỏ ăn, lên cơn dại, ủ rũ… thì người bị cắn phải tiêm vaccine dại đủ liều theo phác đồ.

Đối với các vết thương độ 3 (nặng, sâu, chảy nhiều máu, gần thần kinh trung ương) và/hoặc nếu con vật nguy cơ mắc bệnh dại cao, thì cân nhắc bổ sung huyết thanh kháng dại giúp cơ thể người bị cắn có miễn dịch thụ động trước khi có miễn dịch chủ động sinh ra từ tiêm vaccine phòng dại.

Cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.

Cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.

3. Tiêm vaccine phòng dại có gây tác dụng phụ gì không?

Với công nghệ sản xuất hiện đại, đến nay vaccine ngừa bệnh dại đảm bảo tính an toàn và hiệu quả bảo vệ rất cao. Vaccine dại ở Việt Nam đang sử dụng được nhập khẩu hoàn toàn, chính là vaccine tế bào an toàn và hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh dại cao, không có hại cho sức khỏe.

Vaccine dại không có chống chỉ định trong bất kỳ tình huống nào, kể cả các bà mẹ mang thai hay cho con bú hoặc trẻ sơ sinh, người mắc bệnh mạn tính, cấp tính... nếu bị chó mèo cắn đều tiêm chủng được mà không ảnh hưởng đến thai nhi hay sức khỏe của người tiêm chủng.

Một số phản ứng sau tiêm ít gặp tương tự như các loại vaccine dịch vụ khác như sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm hoặc có thể sốt nhẹ, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nghiêm trọng không ghi nhận có trong 20 năm trở lại đây kể từ khi dùng các loại vaccine công nghệ mới này. Vì vậy, những người bị chó mèo cắn có thể hoàn toàn yên tâm tiêm chủng vaccine dại hiện nay.

4. Một số điều cần lưu ý khi tiêm phòng dại

Cũng giống như bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào, người tiêm chủng cần lưu ý một số điều sau đây khi tiêm vaccine phòng dại:

- Tuân thủ phác đồ tiêm chủng đầy đủ.

- Kiêng dùng các loại thuốc gây ức chế, làm suy yếu hệ miễn dịch như thuốc điều trị sốt rét, thuốc chữa ung thư hay corticoid. Vì khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm chức năng, cơ thể sẽ không có khả năng sản xuất lượng kháng thể vừa đủ để duy trì sự ổn định của cơ thể sau khi tiêm phòng dại.

- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất.

- Kiêng các loại đồ uống có cồn như rượu bia, không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá…

- Hạn chế vận động cường độ cao, làm việc nặng nhọc.

- Nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn trong trường hợp gặp các tác dụng phụ như đau nhức, mẩn đỏ, sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt nhẹ...

Mời bạn đọc xem thêm:

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-dai-co-chua-duoc-khong-169240815145502239.htm