Bệnh dại có nguy cơ gia tăng dịp Tết

Vào dịp Tết Nguyên đán, số người bị chó mèo cắn hoặc cào có xu hướng gia tăng. Điều này tạo ra nguy cơ lây bệnh dại nếu không được tiêm vắc-xin kịp thời.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tiêm phòng là cần thiết, đặc biệt đối với nhóm người có nguy cơ cao, để chủ động phòng bệnh dại trong dịp Tết.

Trong các năm gần đây, dịp Tết thường ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị chó cắn và cần tiêm vắc-xin phòng dại. Sự gia tăng này chủ yếu do vào dịp Tết, nhu cầu đi lại thăm hỏi, du lịch cao, trong khi việc quản lý chó mèo lại lỏng lẻo, không rọ mõm, thả rông.

Tại các bệnh viện, số lượng người bị chó mèo cắn vào dịp Tết 2024 cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận hơn 3.600 lượt người bị chó mèo cắn và phải tiêm phòng.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận gần 90 trường hợp bị động vật cắn. Tết năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 50.000 ca chó cắn, mèo cào phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Virus dại xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, cào và di chuyển dọc theo dây thần kinh tới não với tốc độ từ 12-24 mm mỗi ngày. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ dưới 10 ngày đến vài tháng hoặc thậm chí vài năm, tùy vào vị trí vết thương và lượng virus xâm nhập vào cơ thể.

Vì vậy, khi bị động vật có vú máu nóng như chó mèo cắn hoặc cào, người dân cần tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Đặc biệt, đối với những vết thương ở gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, thời gian ủ bệnh ngắn, người bệnh cần tiêm thêm huyết thanh kháng dại.

Tuy nhiên, vào những ngày Tết, nhiều cơ sở tiêm chủng và phòng khám tạm nghỉ, khiến người dân khó tiếp cận dịch vụ tiêm phòng ngay khi xảy ra sự cố. Sự gia tăng đột ngột số lượng người tiêm chủng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc-xin.

Theo các bác sỹ, người nuôi chó mèo cần tiêm vắc-xin đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y. Người dân khi đi chúc Tết cũng nên chú ý tránh tiếp xúc với chó mèo hung dữ, và phụ huynh cần giám sát trẻ nhỏ khi chơi đùa với động vật, tránh để trẻ kéo đuôi hoặc kích động chúng.

Nếu bị chó, mèo cắn hoặc cào, người dân cần rửa vết thương ngay dưới vòi nước chảy và xà phòng trong khoảng 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt. Sau đó, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại kịp thời. Không nên tự chữa trị bằng các phương pháp dân gian.

Lịch tiêm vắc-xin dại thông thường bao gồm 5 mũi trong vòng một tháng (0-3-7-14-28). Tuy nhiên, có thể dừng tiêm tùy theo mức độ vết thương và tình trạng của con vật sau 10 ngày. Ngoài ra, người dân có thể tiêm vắc-xin dự phòng trước khi bị phơi nhiễm, đặc biệt đối với những người thường xuyên tiếp xúc với động vật.

Phác đồ tiêm dự phòng gồm ba mũi (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28) và mũi tiêm nhắc lại cho người có nguy cơ cao. Nếu đã tiêm dự phòng, khi bị cắn, chỉ cần tiêm thêm hai mũi mà không cần huyết thanh kháng dại, dù vết thương nặng.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra và lây truyền từ động vật sang người. Tỷ lệ tử vong gần như 100% khi các triệu chứng bệnh xuất hiện.

Dù có vắc-xin phòng bệnh, tỷ lệ tiêm phòng cho chó mèo ở một số khu vực vẫn thấp, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cho động vật nuôi thấp như Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết số người tử vong do bệnh dại vẫn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân là do việc quản lý đàn chó mèo chưa tốt, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó mèo thấp (dưới 50%) và tình trạng chó mèo thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến. Người dân cũng chủ quan trong việc tiêm phòng khi bị chó mèo cắn.

Để ngăn ngừa bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm vắc-xin phòng dại cho chó mèo: Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại cho vật nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y.

Tránh tiếp xúc với động vật có biểu hiện bất thường: Đặc biệt là đối với trẻ em, không nên đùa nghịch hoặc chọc phá chó mèo, nhất là những con vật có hành vi lạ.

Khi bị chó mèo cắn: Ngay lập tức rửa vết thương dưới vòi nước chảy trong 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại kịp thời, không tự điều trị theo phương pháp dân gian.

Kiểm soát buôn bán động vật: Tăng cường kiểm soát tình trạng buôn bán thịt chó mèo, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh động vật không rõ nguồn gốc.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải từ hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec khuyến cáo, việc tiêm vắc-xin phòng dại trước khi bị phơi nhiễm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe. Việc tiêm vắc-xin sớm không chỉ giúp giảm số mũi tiêm cần thiết mà còn đơn giản hóa quá trình điều trị sau này.

Mặc dù nhiều người lo ngại về tác dụng phụ của vắc-xin, nhưng bác sỹ Hải cho biết, vắc-xin dại thế hệ mới sản xuất bằng công nghệ hiện đại đã giảm thiểu các tác dụng phụ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh.

Bệnh dại hiện vẫn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan y tế và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dại, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp và tình trạng chó hoang chưa được kiểm soát.

Các cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ việc tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã và thịt chó mèo. Việc thực hiện các biện pháp này sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh dại lây lan, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu số ca tử vong trong tương lai.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/benh-dai-co-nguy-co-gia-tang-dip-tet-d241161.html