Bệnh dại: Vẫn mắc vì chủ quan

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, trong 8 tháng qua, cả nước ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh dại, tại 25 tỉnh thành phố.

Người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại vết cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình tàn phá.

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên, thường tác động lên hệ thần kinh con người. Thông thường thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày trước khi chết, và trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày trước khi có biểu hiện dại thì virus dại đã thải ra đến tuyến nước bọt của con vật. Vì vậy, nếu bị cắn trong giai đoạn này vẫn có thể mắc bệnh.

Còn theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết những trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Theo đánh giá từ Cục Y tế Dự phòng, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.

Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong. Năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lai là tỉnh có số người mắc bệnh dại và tử vong nhiều nhất với 9 trường hợp, tiếp đến là Nghệ An và Điện Biên, mỗi tỉnh 6 trường hợp, Bình Phước và Bến Tre, mỗi tỉnh 4 trường hợp. 20 tỉnh thành khác có từ 1-2 người tử vong vì bệnh dại.

Gần đây, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch chó dại, ca tử vong do chó dại cắn do không tiêm vaccine phòng dại. Đáng lưu ý, có một số ca tử vong sau nhiều tháng bị chó dại cắn. Cụ thể, trung tuần tháng 7 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết tại TP Đồng Hới ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại do không tiêm vaccine phòng dại khi bị chó nhà hàng xóm cắn cách đó hơn 4 tháng. Đó là bệnh nhân nam N.T.H (49 tuổi) ở phường Đồng Sơn (TP Đồng Hới). Theo lời kể của gia đình, vào ngày 3/3, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn, vết thương ở ngón trỏ bàn tay phải, nông, chảy lượng máu không nhiều. Sau khi bị chó cắn, có xử lý vết thương bằng rửa nước; ngoài ra chưa can thiệp gì và cũng không tiêm vaccine phòng dại.

Con chó bị chết sau 2 ngày cắn ông H. Từ khi bị chó cắn cho đến ngày 11/7, ông H. sống khỏe mạnh bình thường, nhưng đến chiều 11/7, ông cảm thấy mệt mỏi. Qua ngày 12/7, ông H. trở nặng và được gia đình đưa đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để điều trị và được chẩn đoán ban đầu nghi dại. Một ngày sau, bệnh nhân H. chuyển biến rất nặng, gia đình xin chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Bệnh nhân được chuyển viện lúc 15 giờ ngày 13/7 với chẩn đoán là bệnh dại lên cơn. Khi đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán: Bệnh dại và trả về. Đến ngày 14/7, bệnh nhân được xác định tử vong trên đường về nhà.

BS.CKI Bạch Thị Chính– Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần vaccine Việt Nam) cho biết, bệnh dại là căn bệnh rất nguy hiểm và hiện nay thuốc điều trị vẫn chưa được nghiên cứu thành công. Phần lớn người tử vong do bệnh dại đến từ nguyên nhân sự chủ quan không tiêm vaccine phòng dại trong khi đây là căn bệnh hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng vaccine.

Về vấn đề này, ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng nhấn mạnh, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Nếu tiêm phòng cho chó chỉ mất vài chục ngàn đồng/con nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn vài triệu đồng/người. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa.

Trên thực tế, vết thương do chó dại gây ra sẽ có nhiều mức độ tổn thương khác nhau. Đáng lo ngại là khi vết thương do chó cắn quá sâu, khiến chảy máu. Lúc này việc đi khám và theo dõi sức khỏe là vô cùng cần thiết. Bởi vì virus gây bệnh dại thường được phát hiện trong nước bọt của chó. Khi chúng tấn công và gây tổn thương ngoài da cho chúng ta, virus có thể tận dụng cơ hội này, tấn công vào máu, hệ thần kinh và đe dọa tính mạng.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/benh-dai-van-mac-vi-chu-quan-5727881.html