Bệnh đậu mùa khỉ: Nguy cơ toàn cầu mới
Ngày 21/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu đang diễn biến rất phức tạp, với tổng cộng 14.000 trường hợp mắc bệnh được xác nhận tại 70 quốc gia.
Các chuyên gia nhận định, những gì đang xảy ra với bệnh đậu mùa khỉ rất giống với giai đoạn đầu của Covid-19 hơn 2 năm trước. Thời điểm đó, hầu hết các nước không quá quan tâm tới cảnh báo của WHO về một bệnh dịch mới có xuất phát từ Trung Quốc.
Điều khác là bệnh đậu mùa khỉ không phải là căn bệnh mới mà đã xuất hiện từ vài chục năm trước, có nguồn gốc từ châu Phi. Hơn nữa, căn bệnh này loài người đã có sẵn vắc-xin phòng ngừa hiệu quả nên ít có khả năng gây ra khủng hoảng ngay lập tức cho thế giới như Covid-19. Đến nay mới chỉ có 5 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ và đều xảy ra ở châu Phi.
Tuy nhiên, sau vài chục năm xuất hiện, bệnh đậu mùa khỉ lại đang hội đủ các dấu hiệu có thể trở thành mối nguy trên quy mô toàn cầu. Hầu hết trong số 14.000 ca mắc đều phát hiện ở châu Âu, đặc biệt phổ biến giữa những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Họ thường ở độ tuổi trẻ và chủ yếu ở các khu vực thành thị.
Theo CDC châu Âu, tính đến đầu tuần này có 7.896 trường hợp từ 27 quốc gia trong khu vực này được xác định nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha với 2.835 ca, Đức với 1.924 ca, Pháp với 912 ca, Hà Lan với 656 ca nhiễm và Bồ Đào Nha với 515 ca.
Khu vực thứ hai có nhiều người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là Mỹ, trong đó chủ yếu tập trung tại thành phố New York với hơn 460 trường hợp. Thành phố này đang mở chiến dịch tiêm vắc-xin và hiện đã có 21.500 mũi vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ được tiêm tại đây. Hầu hết những người đến xếp hàng tiêm vắc-xin này tại Mỹ là nam giới có độ tuổi từ 20 đến 40.
Dù thế giới đã có hiểu biết về đậu mùa khỉ, căn bệnh này vẫn đang gây ra mối lo ngại do tốc độ nhiễm gia tăng rất nhanh và đã lan tới hơn 70 quốc gia. Do đó, WHO phải triệu tập lại Ủy ban chuyên môn về bệnh đậu mùa khỉ ngày 21/7 để ra quyết định xem đợt bùng phát hiện nay có trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không.
Trước đó, hôm 23/6, WHO cũng đã triệu tập Ủy ban khẩn cấp gồm các chuyên gia để quyết định xem bệnh đậu mùa khỉ có tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không. Tuy nhiên, đa số tư vấn cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus rằng tình hình tại thời điểm đó vẫn chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để được nâng mức cảnh báo.
Trong cuộc họp mới nhất lần này, nếu Ủy ban đồng thuận nâng mức cảnh báo với bệnh đậu mùa khỉ thì sẽ là mức báo động cao nhất mà WHO từng đưa ra với căn bệnh này. Theo đó, WHO sẽ đưa ra các đề xuất và khuyến nghị tạm thời nhằm ngăn ngừa và giảm sự lây lan của dịch bệnh, cũng như quản lý phản ứng sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Với những gì đã xảy ra từ đại dịch Covid-19 với các virus liên tục biến thể, diễn biến mới của bệnh đậu mùa khỉ đang ngày càng trở thành nguy cơ không thể coi thường. Đặc biệt là khả năng lây lan rộng chưa từng có và tốc độ biến thể tiềm tàng của loại virus mang mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/benh-dau-mua-khi-nguy-co-toan-cau-moi-post601680.html